Hà Nội

TP.HCM: Doanh nghiệp kiến nghị xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu công nghiệp

28-09-2021 16:49 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Nhiều doanh nghiệp kiến nghị TP.HCM cho xây dựng bệnh viện dã chiến và khu thu dung tại các khu công nghiệp, để xử lý nhanh khi có F0 và không phải dừng sản xuất.

Xây dựng bệnh viện dã chiến sẽ chủ động trong việc xử lý nhanh F0

Hiện nay, 700 doanh nghiệp (trong tổng số 1.500 doanh nghiệp) thực hiện "3 tại chỗ" ở 18  khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của TP.HCM chỉ duy trì sản xuất với khoảng 1/4 số lao động. Hơn 800 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do dịch bệnh đang chuẩn bị tái khởi động sản xuất trở lại khi có quyết định của TP.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi đã xác định thích nghi và sống chung với dịch bệnh COVID-19 thì phải chuẩn bị xử lý tình huống có F0 ở nơi sản xuất. Tránh tình trạng như trước đây, khi doanh nghiệp có vài F0 thì lúng túng, cơ quan chức năng không hỗ trợ xử lý, phát hiện và khoanh vùng  kịp thời nên phải dừng hoạt động cả dây chuyền sản xuất và nhà máy, gây thiệt hại rất nặng cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi đã xác định sống chung với dịch bệnh COVID-19 thì phải chuẩn bị xử lý tình huống có F0 ở nơi sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi đã xác định sống chung với dịch bệnh COVID-19 thì phải chuẩn bị xử lý tình huống có F0 ở nơi sản xuất.

Để xử lý kịp thời các ca bệnh và cách ly F1 không để ảnh hưởng đến sản xuất, nhiều doanh nghiệp đề nghị thành phố cho xây dựng các bệnh viện dã chiến, khu thu dung  F0, F1 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp cao. Như vậy, cơ quan y tế, doanh nghiệp chủ động xử lý nhanh F0, không phải dừng sản xuất và phụ thuộc vào các bệnh viện bên ngoài. Nguồn kinh phí xây dựng bệnh viện, khu thu dung sẽ do công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đóng góp.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp TP.HCM kiến nghị, khi 1 xưởng, 1 bộ phận nào đó phát sinh F0 thì lập tức bệnh viện dã chiến, khu thu dung có đội ngũ tại chỗ bóc tách ngay F0, F1, khoanh lại ở 1 phạm vi nào đó, sau đó nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Việc điều hành, vận hành bệnh viện, chí phí điều trị phải nằm trong chính sách chung của nhà nước".

Đợt dịch lần thứ 4 đã để lại hậu quả nặng nề cho toàn nền kinh tế, xã hội. Gần nửa năm trôi qua, rất nhiều doanh nhân-doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không kịp trở tay, do cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản.

Cần trao quyền chủ động trong sản xuất và phòng chống dịch cho doanh nghiệp

Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 của cả nước giảm 4,2% so với tháng trước, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2020. Riêng TP.HCM, tháng 8, chỉ số này giảm hơn 49%;  tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm gần 60%. Số doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều; Người lao động mất việc gia tăng… Tình trạng này nếu kéo dài, hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Trong đơn kiến nghị mới gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 14 hiệp hội, ngành hàng, trong đó có Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản; Hiệp hội Sữa; Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát; Hiệp hội điện tử; Hiệp hội dệt may; Hội Lương thực thực phẩm… nêu nhiều khó khăn, bất cập cho thấy tính cấp thiết của vấn đề.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng cần trao quyền chủ động trong sản xuất và phòng chống dịch cho các tổ chức, doanh nghiệp. Không nên yêu cầu đóng cửa nếu phạm vi lây nhiễm hẹp, ví dụ như chỉ xuất hiện F0 ở một dây chuyền, phân xưởng hay một bộ phận riêng biệt.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM khẳng định, giãn cách, phong toả kéo dài khiến các doanh nghiệp đã chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng nếu chưa sớm có các biện pháp nới lỏng sản xuất.

Trước đây chúng ta thực hiện mô hình 3 tại chỗ thời gian đầu cũng có những hiệu quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy mô hình này không thể kéo dài vì nhiều lý do về tốn kém tài chính, nhân lực và tâm sinh lý chỉ chịu đựng được 1 thời gian nhất định. Lượng hàng xuất khẩu sút giảm 30%, lượng hàng nội địa không có sụt giảm nhiều nhưng nếu cứ tiếp tục doanh nghiệp sẽ kiệt quệ. Cho nên, phải thay đổi chiến lược phòng chống dịch là phù hợp, để khởi động lại nền kinh tế.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bác Sĩ Trong Tâm Dịch: 'Những Gì Tôi Chứng Kiến Đủ Đau Thương Cho Cả Đời Người!'


T. Kiệt
Ý kiến của bạn