Hà Nội

TPHCM đề xuất hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho người nghèo, tăng hỗ trợ từ ngân sách cho học sinh, sinh viên

30-09-2024 20:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Tăng hỗ trợ BHYT cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ 70% mức đóng cho người nghèo

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung trách nhiệm cho cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thu tiền đóng của học sinh, sinh viên (HSSV) cùng với việc quản lý và lập danh sách tham gia BHYT theo nhà trường. Theo đó, định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cha, mẹ, học sinh, sinh viên đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng cho cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT.

Theo quy định, nhà trường quản lý học sinh, sinh viên và lập danh sách tham gia BHYT. Để giảm số tiền HSSV phải đóng vào quỹ BHYT vẫn đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho HSSV từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng.

TPHCM đề xuất hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho người nghèo, tăng hỗ trợ từ ngân sách cho học sinh, sinh viên- Ảnh 1.

Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, hiện nay Bảo hiểm xã hội Thành phố vẫn đang thanh toán đầy đủ cho trẻ em dưới 6 tuổi chưa có giấy khai sinh, miễn có giấy tờ, chứng từ thanh toán đầy đủ căn cứ xác định.

Theo bà Hằng, dự án luật cần bổ sung đối tượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Bởi hiện nay, toàn quốc có khoảng 17 triệu người cao tuổi, trong đó khoảng trên 14 triệu người đã tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng theo quy định của Luật BHYT, còn khoảng 2,4 triệu người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi chưa tham gia BHYT. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2025 theo quy định của Luật BHXH, sẽ có khoảng 800.000 người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Do đó, từ ngày 1/7/2025 sẽ còn khoảng 1,6 triệu người cao tuổi từ đủ 60 trở lên đến dưới 75 tuổi chưa có thẻ BHYT. Do vậy, cần thiết bổ sung đối tượng người cao tuổi được ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Nói về quy định bổ sung đối tượng thoát nghèo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, hàng năm có khoảng 300.000 người thoát nghèo, trong đó có khoảng 150.000 người rơi xuống hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Như vậy, còn khoảng 150.000 người vẫn có thể có hoàn cảnh khó khăn không thuộc hộ cận nghèo cần có lộ trình hỗ trợ để ổn định cuộc sống và đặc biệt cần hỗ trợ chính sách BHYT để đảm bảo khi gặp ốm đau, rủi ro, tránh rơi vào bẫy nghèo. Do đó, đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT.

TPHCM đề xuất hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho người nghèo, tăng hỗ trợ từ ngân sách cho học sinh, sinh viên- Ảnh 2.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM Nguyễn Thị Thu Hằng phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ bảo hiểm y tế như người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ …

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT

Theo Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Phan Nguyễn Thanh Vân, trong các nhóm đối tượng tham gia BHYT, nên để nhóm lao động tự do nên tham gia BHYT theo hộ gia đình tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Nếu để họ về nơi đăng ký thường trú để đăng ký sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Góp ý kiến về chậm đóng BHYT của người sử dụng lao động, các đại biểu đề nghị cần phân chia thành hai hành vi chưa đóng hoặc đóng chưa đủ là chậm đóng; không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ là hành vi không đăng ký BHYT. Theo đại biểu, hai hành vi này khác nhau không thể gộp chung thành hành vi chậm đóng BHYT.

Theo khoản 10 Điều 2 của dự thảo, trốn đóng bảo hiểm y tế bao gồm: hành vi của người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ tiền đã đăng ký BHYT hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHYT, đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn quy định của pháp luật về y tế. Do vậy, cần phân chia thành hai loại hành vi, không gộp chung vì hai hành vi khác nhau.

Tại Hội thảo, các đại biểu còn tập trung thảo luận, góp ý vào nội dung sửa đổi, bổ sung điều luật của Luật Bảo hiểm y tế liên quan đến công tác chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân; bổ sung thanh toán cấp cứu hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện; thời hạn báo cáo thanh quyết toán chi bảo hiểm y tế; quy định cụ thể các phương thức cung cấp thông tin bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân…

4 chính sách lớn nào được đề nghị trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi?4 chính sách lớn nào được đề nghị trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi?

SKĐS - Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đề xuất tập trung điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khoẻ trong từng giai đoạn...


Hải Yến
Ý kiến của bạn