TP.HCM đang ở tình huống thứ 2 trong kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng, 50-100 ca nhập viện/ngày

21-07-2023 06:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - TP.HCM đang rơi vào tình huống thứ 2 trong kịch bản ứng phó với dịch tay chân miệng do Sở Y tế đã đề ra trước đó. Enterovirus 71 gây bệnh có độc lực cao, không gây ra các triệu chứng điển hình cảnh báo bệnh nên phụ huynh thường bỏ sót, nhầm lẫn bệnh.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 7.823 ca bệnh tay chân miệng. Trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm tỷ lệ 8,95%). Trong tuần 27 (từ 3/7- 9/7) số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng đang tăng nhanh, Thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần.

Hiện, số ca khám và điều trị tại các bệnh viện nhi trên địa bàn đang có xu hướng tăng nhanh và nhiều. Theo đó, số bệnh nhi tới thăm khám do mắc tay chân miệng tăng gần đây đã tăng gấp 3-4 lần.

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Quyền trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 20-25 bệnh mới. Hiện có 45 ca đang điều trị thì có khoảng 10 ca là độ 2B nhóm 1 và nhóm 2 bắt đầu có các triệu chứng thần kinh, xuất hiện các biến chứng.

TP.HCM rơi vào tình huống thứ 2 trong kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng - Ảnh 1.

ThS.BS Nguyễn Đình Qui đang thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng ghi nhận lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng cao thời gian gần đây. Trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 ca/ ngày, tăng 3-4 lần. Theo đó, để có thể đáp ứng đủ nhu cầu khám và điều trị tăng cao như hiện nay, khoa đã phải tăng cường thêm nhiều bác sĩ và điều dưỡng trực.

Các chuyên gia nhận định rằng, số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, kéo theo đó lượng bệnh tay chân miệng nặng cũng sẽ tăng theo. Dịch bệnh tay chân miệng không chỉ tập trung ở TP.HCM mà các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận rất nhiều ca.

Số liệu từ Sở Y tế cho thấy, có tới 80% ca tay chân miệng nhập viện và ca nặng đang điều trị tại TP.HCM được chuyển từ các tỉnh, thành phố khác tới. Chỉ có khoảng 20.9% bệnh nhân có địa chỉ tại TP.HCM. Bệnh nhân từ các tỉnh được chuyển lên các bệnh viện nhi đồng và các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM ngày càng nhiều và chưa có xu hướng ngưng và giảm.

BSCK2 Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, hiện nay, bệnh tay chân miệng rất đáng lo ngại vì đây là bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa có vaccine phòng ngừa nên tỷ lệ mắc sẽ rất cao, ca bệnh có thể ồ ạt. Dịch đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ 3-5 tuổi khi trẻ học ở môi trường nhà trẻ đông đúc.

Nguy hiểm hơn, chủng gây bệnh tay chân miệng năm nay là Enterovirus 71 (EV71 - là chủng virus có độc lực cao) khiến tỷ lệ mắc và trở nặng tăng cao. Thực tế cho thấy số lượng trẻ mắc, trở nặng và tử vong hiện nay cũng đang tăng. EV71 khiến các triệu chứng cảnh báo bệnh ít điển hình, ít biểu hiện ra ngoài, gây ra các biến chứng nhanh và nặng. Có rất nhiều trẻ mắc tay chân miệng chủng Enterovirus 71 nhưng phụ huynh không thể phát hiện được bệnh hoặc nhầm lẫn với bệnh khác khiến trẻ trở nặng, bệnh biến chứng mới phát hiện.

Tháng 6 vừa qua, TP.HCM đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với bệnh tay chân miệng. Kịch bản 1, dưới 50 ca nhập viện/ngày, dưới 200 ca nội trú và dưới 20 ca nặng. Kịch bản 2, 50-100 ca nhập viện mỗi ngày, 200 đến 700 ca nội trú với khoảng 10% ca nặng. Kịch bản 3, 100 - 200 ca nhập viện mỗi ngày, 700 đến 1.400 ca nội trú với 10% ca nặng.

Theo thực tế số lượng ca bệnh đang điều trị tại các bệnh viện TP.HCM hiện nay thì TP.HCM đang phải ứng phó theo kịch bản thứ 2, có 50 - 100 ca nhập viện/ngày, 200 đến 700 ca đang điều trị nội trú, với khoảng 10% ca nặng.

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tiến sát 'đỉnh dịch'TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tiến sát "đỉnh dịch"

SKĐS - Chỉ trong một tuần gần đây nhất, TP.HCM đã ghi nhận 1.614 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần 2,5 lần so với trung bình tháng trước.


P.Thương
Ý kiến của bạn