TP.HCM đang nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng hoá

17-07-2021 08:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên quan đến tình hình khan hiếm một số hàng hoá, nhu yếu phẩm trên địa bàn, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội; vừa qua, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở đang nỗ lực liên hệ với các tỉnh thành để tìm kiếm nguồn hàng.

Tại cuộc họp báo tối 16/7, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong những ngày vừa qua, công tác vận chuyển hàng hoá nhu yếu phẩm có nhiều khó khăn. Các cấp, các ngành đã vào cuộc, tuy nhiên, thực tế là các tỉnh thành lân cận TP.HCM cũng đang gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh. Không chỉ công tác vận chuyển gặp khó, mà nguồn hàng hoá cũng hạn chế, do người dân không khó khăn trong thu hoạch, sản xuất, thu mua.

Các mặt hàng khan hiếm chủ yếu là lương thực, thực phẩm: rau, củ, trứng gia cầm. Nguyên nhân khan hiếm hàng trong thời gian ngắn hạn vừa qua là người dân có tình trạng mua nhiều, tích trữ hàng hoá.

Những ngày vừa qua, các mặt hàng khan hiếm chủ yếu là lương thực, thực phẩm rau, củ, trứng gia cầm. Ảnh: H.T

Trong ngày hôm qua (15/7) trên địa bàn có 48 chợ truyền thống còn hoạt động, đến 16/7 chỉ còn 46 chợ truyền thống. Với năng lực cung ứng hàng hoá của chợ truyền thống có hạn, tuỳ mặt hàng, giá bán tăng lên đến 60%. Số lượng chợ giảm hoạt động, đè nặng lên hệ thống phân phối, khiến người dân xếp hàng vào siêu thị mua sắm. Năng lực cung ứng các hệ thống siêu thị hiện tại đã tăng lên tối đa.

Hiện nay, để chuẩn bị cho tình huống các tỉnh thành khác cũng thực hiện Chỉ thị 16, Sở Công thương đã liên hệ với các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, thậm chí các tỉnh phía Bắc để rà soát lại, tìm nguồn nguyên liệu hàng hoá, để cung ứng cho thành phố.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đại diện Sở Công thương đề xuất, Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương cùng thống nhất thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Hiện nay, cần ưu tiên cho hoạt động sản xuất, thu hoạch, thu mua, sơ chế, chế biến, để đáp ứng đủ lượng hàng hoá thiết yếu.

Bên cạnh đó, công tác vận chuyển nội bộ trong địa phương, các khu cách ly, phong toả, vận chuyển liên tỉnh cũng cần sự thống nhất.

Sở Công thương cũng sẽ kiến nghị, tăng các điểm cung ứng hàng hoá, từ việc vận động các tổ chức doanh nghiệp có kinh nghiệm kinh doanh hàng hoá và kiến nghị cho các doanh nghiệp này thực hiện bán hàng bình ổn thị trường, để đảm bảo cung ứng hàng hoá cho người dân. Đặc biệt, có thể triển khai bán hàng lưu động, ưu tiên cho các khu phong toả, khu cách ly.

Để đảm bảo được cho người dân an toàn sản xuất, chế biến, thu mua, vận chuyển, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người thực hiện các nhiệm vụ trên ở các địa phương. Trong ngắn hạn, người dân sẽ yên tâm trong việc sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hoá.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn