TPHCM đảm bảo đủ thuốc điều trị sởi, hôm nay vaccine sẽ về và phân bổ ngay cho các quận huyện

30-08-2024 07:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh nhân sởi tại TPHCM vẫn được điều trị kịp thời, an toàn, hiệu quả. HCDC đã làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vaccine mở rộng. Vaccine đang được vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM.

Theo báo cáo, tới nay, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện ghi nhận ca sởi. Trong đó, 4 quận, huyện có số ca mắc cao nhất là: Huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn và Quận 12.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, ngay khi số ca mắc sởi tăng, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, tăng cường thực hiện 2 biện pháp chính là tiêm bù, tiêm vét vaccine cho trẻ 1-5 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ mắc; chủ động rà soát nhóm trẻ có nguy cơ để có biện pháp bảo vệ. Đồng thời, TPHCM cũng quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động dự phòng.

"Theo số liệu từ các bệnh viện trên địa bàn báo cáo về, do các bệnh viện tại TPHCM là bệnh viện tuyến cuối nên có hơn 50% trẻ điều trị sởi tại TPHCM tới từ các tỉnh lân cận. Vậy nên, để dập dịch được vòng trong thì cần phải tiêm vaccine bảo vệ vòng ngoài. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp giảm áp lực cho các bệnh viện tại TPHCM", Phó chủ tịch UBND TPHCM nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, số ca bệnh sởi tại TPHCM đang tăng lên từng ngày. Số ca mắc dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ lớn (73,2% ), tuy nhiên, đang có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn.

Tính từ ngày 23/5-27/8, TPHCM đã có 432 ca mắc sởi và 3 ca tử vong. Số bệnh nhân mắc sởi điều trị tại các bệnh viện ở TPHCM chủ yếu từ các tỉnh lân cận chuyển lên (55,8%).

Liên quan tới thuốc điều trị, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: "Hiện bệnh viện vẫn đảm bảo đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân sởi. Lô thuốc Dopamine (thuốc cấp cứu bệnh sởi, sốt xuất huyết…) vừa hết hạn ngày 15/8. Đầu tháng 9, bệnh viện sẽ nhập lô thuốc mới. Trong thời gian chờ đợi, bệnh viện sẽ dùng thuốc khác để điều trị thay thế. Theo đó, bệnh nhân mắc sởi vẫn sẽ được điều trị kịp thời, hiệu quả và an toàn".

TPHCM đảm bảo đủ thuốc điều trị sởi, hôm nay vaccine sẽ về và phân bổ ngay cho các quận huyện- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi làm việc với UBND TPHCM.Ảnh: P.T.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho biết, sau khi TPHCM công bố dịch sởi, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch về việc mua sắm vaccine phòng bệnh sởi – rubella và phân công HCDC khẩn trương làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vaccine mở rộng. Vaccine đang được vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM. Dự kiến cuối ngày hôm nay 30/8 vaccine sẽ về kho của HCDC. Vaccine sẽ được phân bổ cho các quận, huyện ngay sau đó.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, số ca mắc sởi tại TPHCM chủ yếu tập trung tại các quận, huyện vùng ven. Do vậy, thành phố nên phối hợp với các khu công nghiệp/khu chế xuất ở các quận huyện vùng ven, tạo điều kiện thuận lợi cho các cha mẹ là công nhân đưa con đi tiêm vaccine sởi nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine của thành phố, hạn chế ca mắc.

TPHCM đảm bảo đủ thuốc điều trị sởi, hôm nay vaccine sẽ về và phân bổ ngay cho các quận huyện- Ảnh 2.

TPHCM đảm bảo các đối tượng nguy cơ được tiêm vaccine.

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao công tác chuẩn bị của TPHCM trong công tác phòng chống dịch.

Trước khi công bố dịch sởi, TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Viện Pasteur TPHCM và các bệnh viện khác trên địa bàn bám sát tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để chuẩn bị kỹ lưỡng.

Sau khi công bố dịch, TPHCM đã đưa ra các kế hoạch, phương án để ứng phó với dịch. Các đơn vị y tế, trường học trên địa bàn cũng đã có những phương án ứng phó riêng để phối hợp với ngành y tế TPHCM chống dịch.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, biện pháp phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất là tiêm vaccine. Dịch bệnh chỉ cắt đứt khi miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên. Tuy nhiên, tại TPHCM tỷ lệ miễn dịch cộng đồng dưới 95% nên nguy cơ rất cao.

"TPHCM là thành phố có di biến động dân cư rất lớn, số lượng dân đông, nhiều khu công nghiệp, thời tiết thuận lợi cho sởi phát triển, tỷ lệ miễn dịch còn thấp trong khi bệnh sởi có thời gian ủ bệnh dài. Vậy nên nếu không kiểm soát được các trường hợp nghi ngờ thì bệnh có thể tăng lên. Do vậy, TPHCM tập trung nhiều hơn nữa trong công tác phòng chống dịch sởi", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Cũng theo Thứ trưởng, TPHCM cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đồng thời nghiên cứu để triển khai Luật Phòng thủ dân sự. Thành phố cần chỉ đạo chính quyền, địa phương chỉ đạo công tác phòng chống dịch nhằm kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Khẩn trương tiêm vaccine an toàn hiệu quả, không quên xử trí các phản ứng sau tiêm đặc biệt là các phản ứng liên quan tới tâm lý. Chủ động tiêm vaccine cho các đối tượng khác ngoài kế hoạch của Bộ Y tế. Sau khi công bố dịch, TPHCM có thể chủ động tiêm vaccine cho các đối tượng có nguy cơ theo chỉ định.

TPHCM đảm bảo đủ thuốc điều trị sởi, hôm nay vaccine sẽ về và phân bổ ngay cho các quận huyện- Ảnh 3.

Số ca mắc sởi dưới 5 tuổi ở TPHCM chiếm tỷ lệ lớn (73,2%). Ảnh: P.T.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu TPHCM phải đặc biệt quan tâm các đối tượng ở trọ, người làm việc trong các khi công nghiệp, vùng ven… có nguy cơ cao hơn so với các vùng khác.

Ngoài ra, dịch bệnh không chỉ diễn ra trong trường học và bệnh viện nên thành phố cần tiếp tục giám sát và phát hiện sớm các trường hợp tại cộng đồng. Các trường hợp nhẹ được hướng dẫn điều trị tại nhà, cần có sự kết nối với địa phương, CDC và bệnh nhân….để đảm bảo không xảy ra lây nhiễm, bỏ sót bệnh nhân. Tiến hành tập huấn lại toàn bộ nhân lực, bố trí đầy đủ nhân lực trực dịp lễ tết để đảm bảo phòng chống dịch. Thực hiện nghiêm công tác báo cáo để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để phòng chống dịch, TPHCM cần tăng cường truyền thông bên ngoài trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Ban quản lý các khu vui chơi, nơi công cộng… cần ban hành các kế hoạch tham gia phòng chống dịch.

Ca mắc sởi tăng 8 lần, 5 biện pháp phòng chống bệnh sởiCa mắc sởi tăng 8 lần, 5 biện pháp phòng chống bệnh sởi

SKĐS - Theo Bộ Y tế từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.


Phạm Thương
Ý kiến của bạn