TP.HCM: Cứu bé gái 5 tuổi nguy kịch do sốt xuất huyết

04-01-2021 14:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và cấp cứu thành công cho trường hợp bé gái 5 tuổi sốc sốt xuất huyết Dengue nặng nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhi là bé gái N.K.L. (5 tuổi, quê ở Kon Tum) trong tình trạng bị sốc sốt xuất huyết nặng gây tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi và màng bụng nặng được Bệnh viện Bình Tân chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ năm.

Ngay sau nhập viện, bệnh nhi được hồi sức sốc bằng dịch truyền, thuốc vận mạch, hỗ trợ đặt nội khí quản thở máy, chọc dò dẫn lưu ổ bụng để giảm áp lực ổ bụng nhằm tránh tổn thương nhiều cơ quan, đồng thời truyền máu và các chế phẩm của máu để ổn định tình trạng xuất huyết nặng.

Nhận định tình trạng bệnh nhân đang diễn tiến phức tạp, mức độ thất thoát huyết tương nhiều mặc dù đã truyền một lượng lớn dung dịch cao phân tử, nguy cơ dẫn đến sốc kéo dài, suy đa cơ quan và suy hô hấp, Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cho biết; Các bác sĩ đã quyết định phối hợp dung dịch Albumin 5% để chống sốc.

Theo các bác sĩ, ca bệnh này đánh dấu sự phối hợp nhiều điểm sáng mới trong điều trị các ca sốc sốt huyết Dengue nguy kịch tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố như áp dụng hiệu quả bộ dẫn lưu màng bụng đếm giọt kiểm soát tốc độ dẫn lưu dịch ổ bụng. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ phối hợp dung dịch Albumin 5% và dung dịch cao phân tử với tỷ lệ phù hợp trong chống sốc sốt xuất huyết Dengue.

Hiện, sau gần 3 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định huyết động, chức năng các cơ quan được bảo tồn, bệnh nhi đã được cai máy thở, các chỉ số sức khỏe ổn định và dự kiến xuất viện trong thời gian tới.

Các bác sĩ phải dùng nhiều máy móc hỗ trợ để cứu bé gái qua cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC

Cảnh báo về các biến chứng của sốt xuất huyết, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, người dân không nên lơ là chủ quan mà phải chủ động phòng chống dịch, luôn theo dõi những dấu hiệu cảnh báo khi bị sốt.

Đặc biệt, khi bé bị sốt cao kèm khóc, bứt rứt, khó chịu hoặc li bì, đau bụng, nôn ói nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, bỏ bú, bỏ ăn uống..., phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị sớm.

Được biết, sốt xuất huyết  là bệnh do virut gây ra, có 2 triệu chứng cơ bản, đó là: sốt và xuất huyết. Trong đó triệu chứng sốt là cơ bản vì luôn xảy ra lúc bệnh khởi phát. Chứng sốt trong bệnh sốt xuất huyết có một số đặc điểm khác với chứng sốt của bệnh khác với 3 đặc điểm: sốt đột ngột bất thình lình (trước đó trẻ hoàn toàn bình thường); sốt cao- nhiệt độ lên tới 39-40oC hoặc cao hơn, sờ vào trán trẻ thấy nóng ran; sốt liên tục, liên miên ngày đêm không lúc nào ngưng, có cho trẻ dùng thuốc hạ sốt thì nhiệt độ cũng chỉ giảm một lát lại tăng lên.

Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày và rất đa dạng như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc,... Xuất huyết dưới da thường ở cẳng tay cẳng chân, nách ngực, thắt lưng.

Biểu hiện chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào, đây cũng chính là điểm để phân biệt với trường hợp nốt đỏ do phát ban khi ấn vào sẽ biến mất)...; xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, đại tiện ra máu; ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo (kinh nguyệt trước kỳ).

Điều cần lưu ý là có tới 4 týp virut gây sốt xuất huyết, do vậy người bệnh mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị mắc. Nghĩ ngay đến sốt xuất huyết khi trẻ sốt liên miên, uống thuốc hạ sốt bớt rồi lại sốt, không ho, không sổ mũi; hoặc nếu thấy trẻ sốt dùng thuốc hạ sốt 2 ngày không đỡ và thấy những chấm đỏ dưới da ấn không mất đi, cần cho trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế


Khánh Mai
Ý kiến của bạn