TP.HCM: Công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng mây mù, ô nhiễm không khí

26-09-2019 14:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho biết: Hiện tượng mây mù, gây ô nhiễm không khí diễn ra trong các ngày 18 – 22/9 vừa qua tại Thành phố là sương mù quang hóa.

Đây là hiện tượng thời tiết bất lợi đặc thù thường xuất hiện trên địa bàn Thành phố vào cuối tháng 9, tháng 10 và thời điểm giao mùa Đông Xuân (tháng 1 và tháng 2 năm sau).

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, sương mù quang hóa là sương mù xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ (ánh mặt trời) gây đảo nhiệt kết hợp với độ ẩm trong không khí cao, từ đó tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí ở tầng cao, tạo hiện tượng mù quang hóa, đặc biệt trong khu vực nội thành. Hiện tượng này có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn. Tình hình mù quang hóa sẽ giảm dần khi chất lượng không khí được cải thiện trong vài ngày tới.


Nhìn bằng mắt thường có thể cảm nhận bầu không khí mù mịt.

Cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt

Trước tình hình trên, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm.

Khi lưu thông trên đường xa lộ, cao tốc, người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù để đảm bảo an toàn giao thông. Người dân cần nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, tăng cường vệ sinh nhà cửa, hệ thống chiếu sáng, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần, hạn chế sử dụng nước mưa.

Theo TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng, Người dân sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên chủ động dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí. Với những ngày hoặc các thời điểm trong ngày khi chỉ số AQI kém, xấu đến nguy hại (thể hiện bằng màu cam, đỏ, tím, nâu) thì chúng ta nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm và nếu phải ra ngoài đường thì nên sử dụng khẩu trang loại tốt có thể lọc bụi PM2,5. Những người nhạy cảm ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh hen, COPD, các bệnh tim mạch… thì càng cần đặc biệt chú ý hơn.

Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ bị tác động bởi ô nhiễm không khí xung quanh mà ô nhiễm không khí trong nhà cũng rất đáng lo ngại. Phần lớn thời gian chúng ta ở trong nhà (tại gia đình và nơi làm việc), do đó để giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khoẻ trước ô nhiễm không khí trong nhà, chúng ta nên:

-Hàng ngày, nếu chất lượng không khí ngoài trời tốt thì nên mở cửa sổ để thông gió đảm bảo thoáng khí giúp giảm nồng độ bụi, chất ô nhiễm không khí tích tụ trong nhà và không hình thành nấm mốc.

-Không được hút thuốc trong nhà.

-Nên hạn chế thắp hương đốt vàng mã.

-Thường xuyên vệ sinh trong nhà sạch sẽ để loại bỏ bụi, vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh.

-Trồng một số loại cây trong và xung quanh nhà có khả năng “làm sạch” không khí.

-Không nên sử dụng chất đốt sinh khối (than, củi, rơm rạ). Nếu sử dụng thì nên dùng bếp lò không khói và mở cửa cho thông thoáng.

-Không nên đốt than để sưởi ấm trong mùa đông trong phòng kín để tránh ngộ độc khí CO.

-Không nên đi giày dép bẩn vào trong nhà.


Trần Lực
Ý kiến của bạn