Kết quả này được công bố sau khi Sở Y tế TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với tất cả bệnh viện trực thuộc từ ngày 11/11/2019 đến ngày 12/12/2019 dựa theo Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam phiên bản 2.0 do Bộ Y tế ban hành.
Tổng số bệnh viện được Sở Y tế đánh giá chất lượng là 110 bệnh viện, bao gồm 32 bệnh viện thành phố; 23 bệnh viện quận, huyện; 53 bệnh viện tư nhân và 02 bệnh viện bộ ngành (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Bưu điện). Có 02 bệnh viện không đánh giá là Bệnh viện Tân Sơn Nhất và Phẫu thuật Thẩm mỹ Sài Gòn do tạm ngừng hoạt động.
Nếu như năm 2018 chỉ có 12 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 điểm trở lên (mức chất lượng tốt), thì năm 2019, tổng cộng có 20 bệnh viện đạt mức chất lượng tốt. Trong đó, có 08 bệnh viện trên 50% số tiêu chí đạt mức 5 như: Bệnh viện Nhân dân 115 (50/78), Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (48/82), Bệnh viện Từ Dũ (48/82), Bệnh viện Hùng Vương (47/82), Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec TP.HCM (47/82), Bệnh viện Nhân dân Gia định (47/83), Bệnh viện Nhi đồng 1 (42/82), Viện Y Dược học Dân tộc (41/79). Đặc biệt, năm 2019 đã có 3 bệnh viện quận, huyện được đánh giá chất lượng tốt đó là: BV quận Thủ Đức, BV quận 11 và BV quận 2 (năm 2018: 1 bệnh viện).
Không có bệnh viện nào dưới 2 điểm, nhưng có 6 bệnh viện có điểm chất lượng trung bình dưới 2,5 điểm (năm 2018: 5 bệnh viện), và 6 bệnh viện có số tiêu chí còn ở mức 1 nhiều nhất như Bệnh viện Đa khoa Anh Minh (29/77), Bệnh viện Thân Dân (23/78), Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Quốc tế Thảo Điền (18/78), Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc Kim hospital - Thành phố Hồ Chí Minh (17/78), Bệnh viện PTTH TM AVA Văn Lang (14/78), Bệnh viện quận 3 (14/82).
Danh sách 7 bệnh viện tại TP.HCM được đánh giá có chất lượng tốt nhất năm 2019.
Sở Y tế TP.HCM đánh giá các bệnh viện đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu cải tiến chất lượng nhằm đạt các tiêu chí do Bộ Y tế ban hành, 87% bệnh viện có điểm chất lượng tăng so với năm 2018. Nếu như năm 2018 có 77 đơn vị đạt điểm trung bình trên 3, thì đến năm 2019 đã có 86 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 80%. Số lượng tiêu chí ở mức 1 của các bệnh viện giảm rõ rệt, trong khi số lượng tiêu chí đạt mức 5 tăng đáng kể. Phần lớn các bệnh viện đã chủ động phân bổ nguồn lực và triển khai nhiều hoạt động, nhiều giải pháp sáng tạo, cải tiến chất lượng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của bệnh viện với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ (nhóm tiêu chí hướng đến người bệnh có điểm trung bình cao nhất).
Có 6 bệnh viện có điểm chất lượng trung bình (dưới 2,5 điểm)
Đánh giá về những tồn tại, theo Sở Y tế TP.HCM, hầu hết các bệnh viện đều đã triển khai nhiều hoạt động quản lý chất lượng, tuy nhiên hoạt động cải tiến chất lượng vẫn chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là các hoạt động giám sát. Một số bệnh viện ngoài công lập chưa chú trọng đến công tác quản trị bệnh viện, do thiếu nhân lực quản lý chuyên trách, các vị trí lãnh đạo phòng chức năng thường kiêm nhiệm, chưa chú ý đến việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học; hoạt động dinh dưỡng cũng chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Các tồn tại này thường tập trung vào một số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa mắt và chuyên khoa thẩm mỹ tư nhân và 1 bệnh viện công lập (BV quận 3).
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng công bố chất lượng 2 bệnh viện trực thuộc bộ ngành. Cả 2 bệnh viện này có điểm chất lượng không cao. Bệnh viện Bưu Điện (tiền thân là Bệnh xá ngành bưu điện) 3.40 điểm và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) 2.67 điểm.