Thông tin được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đưa ra tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn chiều nay 25/11.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung 100.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir.
Đến hôm nay Sở Y tế TP.HCM đã tiếp nhận văn bản của Bộ Y tế về việc cung cấp 120.000 viên Favipiravir 200mg nhắm hỗ trợ những trường hợp F0 tại các trạm y tế đã sử dụng hết Molnupiravir.
Cũng theo Sở Y tế, để tăng cường sức khỏe cho người dân, ngành y tế vẫn sử dụng đông tây y kết hợp. Mới đây Hội đông y TP.HCM có tài trợ loại thực phẩm chức năng cho người dân để hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bị COVID.
Về việc phát hiện F0 trong vòng 24h phải tiếp cận đưa vào quản lý chăm sóc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đây là chủ trương của ngành y tế, giúp quản lý, chăm sóc điều trị nhanh chóng và kịp thời cho F0, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, có những trường hợp vẫn quá thời hạn này, ví dụ như nhân viên y tế chưa tìm được địa chỉ nhà F0 do nơi ở không cụ thể hoặc liên lạc không được cho các đối tượng này. Mặc dù vậy, ngành y tế cũng đã làm việc với địa phương để tháo gỡ các khó khăn này.
Ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, hiện Thành phố đang có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà, vì vậy thành phố nỗ lực để giúp cho những người này được tiếp cận với trạm y tế và trạm y tế lưu động. Song một số địa bàn còn ít nhân viên y tế nên công việc nhiều, có F0 chưa tiếp cận được y tế.
Bên cạnh đó có tình huống đường dây nóng bị trục trặc nên không liên lạc được. Vì vậy thành phố đang dự định có những cơ chế, chính sách để y tế tuyến cơ sở có thêm điều kiện hoạt động.
Trong cùng diễn biến liên quan, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh thành phố phối hợp với Sở Y tế cử thêm lực lượng quân y đến trực cùng nhân viên trạm y tế lưu động.
"Theo số liệu thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà. Do đó, Thành phố đang phải nỗ lực để giúp họ được tiếp cận với trạm y tế, trạm y tế lưu động.
Tuy nhiên, do lực lượng còn ít, ví dụ có những phường nhân viên y tế chỉ 10 người mà số dân lên đến 170.000 người, nghĩa là 1 người phục vụ 17.000 người, F0 đông như vậy cũng là nguyên nhân khiến họ chậm tiếp cận với y tế" - ông Phạm Đức Hải cho biết.