TPHCM có ngân hàng huyết thanh góp phần kiểm soát bệnh truyền nhiễm

17-08-2023 14:28 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ngày 17/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã chính thức đưa vào vận hành ngân hàng huyết thanh với sức chứa lưu trữ từ 400.000 - 450.000 mẫu huyết thanh.

Theo BSCKII Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc HCDC, ngân hàng huyết thanh là đơn vị tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để thực hiện xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm với 4 mục tiêu chính: Dự đoán hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp và khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.

Để thực hiện các mục tiêu này, HCDC sẽ xây dựng kế hoạch thu thập mẫu định kỳ cho ngân hàng huyết thanh, xây dựng bộ quy trình bảo quản, truy xuất và sử dụng mẫu phục vụ cho các mục tiêu khác nhau của kiểm soát dịch bệnh. Trung tâm cũng sẽ xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra những định hướng cho các quyết định y tế công cộng trên địa bàn.

TPHCM có Ngân hàng huyết thanh góp phần kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Ảnh 1.

Nhân viên y tế HCDC đang xử lý mẫu huyết thanh.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngân hàng huyết thanh của HCDC được trang bị 5 tủ âm sâu, 3 máy ly tâm lạnh cùng các trang thiết bị và đội ngũ nhân sự đáp ứng cho công tác thu thập, xử lý, lưu trữ và phân phối mẫu.

Ngân hàng huyết thanh được đưa vào hoạt động với sức chứa lưu trữ khoảng 400.000 - 450.000 mẫu huyết thanh. Dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2030, ngân hàng huyết thanh sẽ được HCDC đầu tư mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng thêm dung lượng lưu trữ mẫu.

Theo PGS.TS Lê Văn Tấn - Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU), từ lâu, các nước trên thế giới đã tiến hành xây dựng ngân hàng huyết thanh và các chương trình điều tra dịch tễ huyết thanh học tương ứng. Ví dụ tại Anh, ngân hàng huyết thanh được thành lập vào năm 1986. Đến nay đã thu nhận trên 200.000 mẫu huyết thanh từ người dân Anh ở các độ tuổi khác nhau.

Thông qua đó các kết quả điều tra huyết thanh học đã cung cấp thông tin quan trọng cho việc phải tiêm vaccine bổ sung cho các nhóm dễ mắc bệnh ở Anh. Ngân hàng huyết thanh cũng đã được sử dụng nhằm đánh giá mức độ lây lan và miễn dịch cộng đồng của đại dịch cúm vào năm 2009 và gần nhất là đại dịch COVID-19 ở Anh.

Tại Việt Nam, một số ngân hàng huyết thanh cũng đã được thành lập thông qua chương trình nghiên cứu điều tra dịch tễ của Bộ Y tế, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng như viện Pasteur TPHCM. Trọng tâm của các chương trình giám sát này có thể kể đến như HIV, Zika virus, viêm gan siêu vi B và C, cúm A H5N1.

Trong năm 2022, để đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19, HCDC phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện ba đợt khảo sát.

Gần nhất là trong chương trình hợp tác giữa HCDC - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và OUCRU, một điều tra huyết thanh cắt ngang cho thấy vào tháng 9/2022 hơn 98% người dân TPHCM có kháng thể phòng ngừa COVID-19.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt độngNgân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động

SKĐS - Ngày 6/8, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đã khai trương ngân hàng sữa mẹ, có thể thanh trùng lên đến 62 lít sữa mỗi ngày. Đây là ngân hàng sữa mẹ quy lớn nhất Việt Nam với quy mô đầu tư gần 6 tỷ đồng.


Vân Nhi
Ý kiến của bạn