Hà Nội

TP.HCM: Chống dịch theo thực tiễn từng địa bàn

02-07-2021 16:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng ngày 2/7, Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 của TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn với nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra cho công tác phòng chống dịch tại TP.HCM trong thời gian tới.

Tham dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng đại diện lãnh đạo các địa phương, các ban, ngành, lực lượng chức năng.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến

Số ca mắc mới vẫn còn tăng cao

Báo cáo tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc mới trong thời gian vừa qua tại TP.HCM liên tục nằm ở mức 3 con số, đặc biệt có những ngày ghi nhận trên 500 trường hợp bệnh nhân. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, nguyên nhân là do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh...
Các ca khám bệnh lúc đầu chỉ vài ca, từ các ca chỉ điểm rồi phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ tại vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Từ đây xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh chia sẻ thêm.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ khu trú tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với TP.HCM như Tiền Giang, Đồng Tháp… , mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương; Các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng xảy ra cao gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua đánh giá, thảo luận với các điểm cầu quận huyện, việc tổ chức công tác xét nghiệm triển khai đồng bộ từ tổ chức lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm, hợp mã để trả kết quả còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Công tác truy vết trong thời gian vừa qua chưa đạt được như mong đợi; Khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đối với việc triển khai test nhanh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, “Khẳng định rõ quan điểm của Bộ Y tế là khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý, để phát hiện các ca F0, khoanh vùng phong tỏa và các địa phương lân cận khu phong tỏa đó. Thời gian qua TP HCM đã sử dụng 128.000 test nhanh trên tổng số 252.000 test. Đề nghị TP tăng cường năng lực cũng như số lượng test nhanh cung cấp cho các quận huyện, đảm bảo công tác phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu

Trong công tác xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các quận huyện chủ động thực hiện việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo hướng giãn cách về thời gian, địa điểm, thực hiện nghiêm chỉ thị 10 của TP. Đối với việc trả kết quả xét nghiệm tại các khu cách ly, phong tỏa Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề xuất tất cả các xét nghiệm phải trả đúng giờ, đúng hẹn với người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa

Về truy vết, Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất với ngành y tế là tất cả đơn vị truy vết bây giờ nên chỉ tập trung làm công tác truy vết, không sử dụng vào công việc khác trong các vùng dịch để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết và hiệu quả.

“Bộ Y tế dự kiến sẽ phân bổ cho TP.HCM gần 1 triệu liều vắc xin trong thời gian tới. Từ chiến dịch tiêm vắc xin vừa rồi, TP.HCM nên rút ra những kinh nghiệm cần thiết nhằm xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thật chi tiết để khi có vắc xin có thể thực hiện việc tiêm vắc xin nhanh chóng, rộng rãi và thành công” Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu.

Những mũi nhọn trọng điểm

Có cùng quan điểm, nhận định về diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng các địa phương của TP cần triển khai mạnh mẽ đợt cao điểm phòng chống dịch theo kế hoạch Kế hoạch số 2151/KH-UBND do UBND TP.HCM ban hành.

Một số đầu cầu tham dự cuộc họp

Chủ tịch UBND yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức, chú trọng công tác tổ chức thực hiện ở từng khâu, từng bộ phận để tạo thành sức mạnh tổng thể trong công tác phòng chống dịch; các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương cần căn cứ thực tiễn của địa phương đồng thời theo đúng phương châm 5 tại chỗ. Đồng thời trong tình hình mới cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, thay đổi phương thức, cách thức chỉ đạo để phù hợp thực tiễn.

Đối với từng địa phương cần thực hiện việc phân nhóm nguy cơ (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ) đến từng phường, xã, khóm, các điểm nóng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả giúp nhanh chóng kiểm soát, không chế tình hình dịch bệnh.

Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cần thực hiện triệt để việc giãn cách trong khâu lấy mẫu, luôn cảnh giác với nguy cơ có F0 xuất hiện đồng thời bố trí khung giờ lấy mẫu, địa điểm lấy mẫu phù hợp tránh tạo sự ùn ứ; Đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận để đảm bảo việc trả kết quả xét nghiệm được thực hiện nhanh chóng, chính xác tránh tồn đọng; Các địa phương cần nhanh chóng triển khai test nhanh để đáp ứng, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Đối với công tác cách ly, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, các khu cách ly tập trung do Bộ tư lệnh TP.HCM phụ trách đã tiến hành rà soát và báo cáo đầy đủ, chi tiết về công tác đảm bảo tuân thủ các quy định, điều kiện cách ly tại các khu cách ly tập trung; Trong thời gian tới sẽ thành lập các ban quản lý khu cách ly tập trung với sự tham gia của các lực lượng từ Bộ tư lệnh TP.HCM, Công an, Y tế, Tài nguyên môi trường, Thông tin truyền thông, An toàn thực phẩm cùng các lực lượng địa phương.

Với các khu cách ly do quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu, không tổ chức cách ly tại trường học đặc biệt là các trường tiểu học, các khu cách ly cần đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, được lắp đặt camera… theo đúng các quy định; các địa phương xem xét việc chọn sử dụng các nhà khách, khách sạn trên địa bàn, các khu nhà tái định cư… để tổ chức cách ly; đồng thời các quận, huyện cần nghiên cứu, hướng dẫn của BYT về cách ly F1 tại nhà.

Đối với vấn đề thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện Thành phố đã chuẩn bị phương án 10.000 giường đồng thời cũng sẽ có kế hoạch mở rộng quy mô để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.

Trong sáng ngày 2/7, TP.HCM cũng đã tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch từ 12 đơn vị cá nhân, tổ chức với tổng trị giá ước tính lên đến 250 tỷ đồng.


Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn