Trong đó một trường hợp rất nặng (số 91) đang tiếp tục được hồi sức tích cực tại BV Bệnh Nhiệt đới và 4 trường hợp ổn định đang điều trị tại BV dã chiến Củ Chi, riêng BV điều trị COVID-19 tại Cần Giờ không còn bệnh nhân nào.
Theo báo cáo nhanh của BV Bệnh Nhiệt đới vào 7h sáng ngày 19/04/2020, trường hợp nhiễm COVID-19 số 91 tiếp tục có diễn biến lâm sàng ổn định, bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu, kết quả RT PCR đều âm tính với SARS-CoV-2 ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng. Mặc dù đã hơn 10 ngày qua không có bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới nhưng các bệnh viện được phân công tiếp nhận và điều trị bệnh nhân dương tính vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, các kíp trực vẫn luôn được duy trì, công tác vệ sinh kiểm soát nhiễm khuẩn các phòng cách ly luôn được duy trì và đảm bảo đúng quy định.
Nhìn lại sau hơn 2 tháng hoạt động (kể từ ngày 10/02/2020), Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã tiếp nhận và cách ly tổng số 560 trường hợp cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị, trong đó có 108 ca nghi nhiễm, trong số đó có 34 ca xác định. Còn Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Cần Giờ sau hơn 1 tháng hoạt động (kể từ ngày 16/03/2020) cũng đã tiếp nhận điều trị cho 141 trường hợp, trong đó có 16 ca xác định.
Bác sĩ Bệnh viện các bệnh nhiệt đới TPHCM trao giấy chứng nhận ra viện cho bệnh nhân mắc COVID-19 . Ảnh: TTBC
Như vậy, gần 250 trường hợp nghi nhiễm và 50 trường hợp xác định đã được điều trị tại 2 bệnh viện vừa được hình thành khi dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra trên địa bàn thành phố. Nếu không có 2 bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 này thì chắc chắn bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ quá tải và khả năng các bệnh viện đa khoa của thành phố phải tiếp nhận điều trị, điều này đồng nghĩa với chấp nhận một nguy cơ tiềm ẩn làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo COVID-19 tại các bệnh viện.
Để 2 bệnh viện “dã chiến” tại Củ Chi và Cần Giờ được hình thành trong một thời gian ngắn và đi vào hoạt động hiệu quả thì không thể không nhắc đến sự tham gia nhiệt tình và trách nhiệm của rất nhiều bệnh viện thành phố và quận, huyện. Đó là các bệnh viện đã cử cán bộ, nhân viên y tế luân phiên công tác tại 2 bệnh viện này trong thời gian qua như: BV Bệnh Nhiệt đới, BV huyện Củ Chi, BV đa khoa khu vực Củ Chi, BV quận 2, BV quận Thủ Đức, BV quận Bình Tân, BV quận Tân Bình, BV huyện Hóc môn,… và còn nhiều bệnh viện khác sẽ tiếp tục cử luân phiên cán bộ đến 2 bệnh viện này trong thời gian tiếp theo.
Việc tiếp tục duy trì các trạng thái sẵn sàng hoạt động của bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 – Cần Giờ trong thời gian tiếp theo là điều chắc chắn, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện hữu sẽ không ở trạng thái sẵn sàng. Ngược lại, để chuẩn bị cho tình hình mới trong giai đoạn tiếp theo, “tiến tới chung sống an toàn với dịch COVID-19” (Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam), thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố, Sở Y tế đã xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Căn cứ vào bộ chỉ số đánh giá rủi ro này, các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tự đánh giá và được Sở Y tế kiểm tra, đánh giá lại, những cơ sở khám, chữa bệnh có chỉ số rủi ro lây nhiễm cao và rất cao phải có giải pháp giảm thiểu rủi ro và phải đánh giá lại trước khi hoạt động lại.
Nhiều đơn vị ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh
Từ ngày 20/3 đến ngày 18/4/2020: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tiếp nhận tổng cộng số tiền, hàng là hơn 160 tỷ 782 triệu đồng của 6.186 đơn vị, cá nhân ủng hộ, trong đó:
Ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 là 141 tỷ 190 triệu đồng (tiền mặt: 119 tỷ 104 triệu đồng và hàng hóa trị giá 22 tỷ 086 triệu đồng).
Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra là hơn 19 tỷ 592 triệu đồng.
Đến nay, đã phân phối tiền, hàng hóa, với tổng giá trị hơn 45 tỷ 261 triệu đồng, trong đó: chi 7 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; Chi hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 là 38 tỷ 261 triệu đồng (cụ thể: tiền mặt là 16 tỷ 175 triệu đồng và hàng hóa là 22 tỷ 086 triệu đồng, gồm các thiết bị y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm, trái cây.... ) chuyển đến các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, các y, bác sĩ, lực lượng tình nguyện, nhân viên phục vụ công tác phòng, chống dịch và những người cách ly.