Mặc dù các bệnh viện còn gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực và xe cứu thương, nhưng trong những năm qua đã có nhiều bệnh viện công lập và tư nhân - nhất là các bệnh viện quận, huyện đã tham gia tự nguyện làm các trạm cấp cứu 115.
Với sự hình thành mạng lưới các trạm vệ tinh này, số lượt cấp cứu ngoài bệnh viện trên địa bàn thành phố đã tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, việc hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh chỉ mới là giai đoạn đầu của hành trình củng cố hoạt động cấp cứu người dân ở môi trường ngoài bệnh viện theo hướng hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhiều hoạt động cần được quan tâm và chuẩn bị nguồn lực để các trạm cấp cứu vệ tinh hoạt động hiệu quả hơn, bao gồm: Đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện cho nhân viên y tế của các trạm cấp cứu vệ tinh của các bệnh viện, nội dung khoá đào tạo này dựa trên tài liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới và Hội chữ thập đỏ thế giới biên soạn.
Một trạm cấp cứu 115 ở khu vực Bình Tân.
Xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu vệ tinh, ứng dụng IoT để chủ động điều phối xe cứu thương của các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh hiện đang ở trạng thái sẵn sàng để đưa tổ cấp cứu đến hiện trường.
Đồng thời, nghiên cứu, triển khai nhân rộng thêm xe cấp cứu 2 bánh tại những trạm cấp cứu vệ tinh.
Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM xem xét cho phép bổ sung cơ số xe cứu thương thêm 1 chiếc đối với các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh.
Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế cho phép các trường đại học mở mã ngành Paramedic để có thêm nguồn nhân lực chuyên trách cấp cứu ngoài bệnh viện.
Tất cả bệnh viện đều tham gia với tinh thần tự nguyện, tất cả vì sức khoẻ của người dân, đáp ứng mong đợi của người dân thành phố dẫu biết rằng không tạo ra nguồn thu, thậm chí thất thu cho bệnh viện.