TP.HCM cảnh giác với sốt xuất huyết Dengue đang vào mùa

31-07-2023 17:22 | Y tế
google news

SKĐS - Cùng với bệnh tay chân miệng đang vào đỉnh dịch, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng sẽ gây áp lực quá tải đối với ngành y tế TP.HCM.

Trong những tuần vừa qua, TP.HCM và các tỉnh Nam bộ mưa kéo dài, ghi nhận khuynh hướng gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết nặng. Các chuyên gia cảnh báo, bắt đầu từ tháng 8 sẽ là cao điểm sốt xuất huyết, do đó, nếu không có sự phòng dịch tốt sẽ dẫn đến nhiều ca nặng và tử vong.

Đề phòng bệnh sốt xuất huyết trở nặng

Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong tuần qua đã tiếp nhận 2 trường hợp sốt xuất huyết rất nặng. Đó là một bệnh nhân bị sốc và tái sốc nhiều lần và một trường hợp bị suy chức gan nặng.

Riêng trường hợp bị suy gan nặng, bệnh nhân đã được điều trị tích cực và tính đến phương án lọc máu nhưng diễn tiến bệnh chưa khá lên nhiều.

TP.HCM cảnh giác với sốt xuất huyết Dengue đang vào mùa - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

BS.CK2 Trương Ngọc Trung - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, tổn thương gan là một biểu hiện nặng của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Do sốt xuất huyết Dengue có khả năng tấn công trực tiếp lên gan hoặc thông qua các cơ chế miễn dịch. Bên cạnh đó, những yếu tố khác có thể khiến cho tình trạng nặng hơn như người bệnh bị bệnh gan mãn tính hoặc uống thuốc không phù hợp trong giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết.

Cũng theo bác sĩ Trung, mặc dù tỉ lệ chuyển biến nặng của bệnh sốt xuất huyết Dendue không cao và tỉ lệ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết bị suy gan cũng không cao, nhưng đáng lưu ý là việc tiên lượng được diễn tiến bệnh này không dễ.

Do đó, bác sĩ Trung khuyến cáo, khi chẩn đoán hoặc nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết thì bệnh nhân phải được theo dõi kỹ và tái khám. Bệnh nhân có sốt cao liên tục trên 2 ngày, đặc biệt là trong cao điểm dịch sốt xuất huyết, nên đến cơ sở y tế sớm.

"Cần đặc biệt lưu ý là bệnh sốt xuất huyết Dengue thường nặng là trong giai đoạn nguy hiểm nhưng giai đoạn nguy hiểm thường là bệnh nhân đã giảm sốt hoặc là không sốt nữa".

Trách nhiệm địa phương phòng dịch sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, trong tuần 29 vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.

Theo Sở Y tế TP.HCM, quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm tại TP.HCM, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng và sẽ tăng cao trong tháng 8, dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm.

Trong khi đó, trước đó, qua giám sát, tỉ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ gần 48% (49/103 điểm). Đây là con số đáng báo động. Tỉ lệ này sẽ cao hơn nữa khi TP.HCM mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết.

Riêng tại quận Gò Vấp, năm nay, số mắc giảm 35,45% so với cùng kỳ năm 2022. Trên địa bàn đã phát hiện 9 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ và đang theo dõi 1 ổ dịch. Trong khi đó, trong năm 2022, địa bàn ghi nhận 51 ổ dịch sốt xuất huyết.

Để đối phó với dịch sốt xuất huyết, nhiều đơn vị xây dựng trên địa bàn TP.HCM cũng rất quan tâm, chú trọng. Theo đó, các đơn vị thực hiện dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, che chắn lại các khu vực vệ sinh, không để lại các vũng nước trên công trường, đồng thời thực hiện diệt loăng quăng ở các vị trí đọng nước lâu ngày, phun diệt muỗi định kỳ 1 tháng/2 lần.

"Hàng ngày, hàng tuần, chúng tôi đều cắt cử người kiểm tra vấn đề phòng chống muỗi và sốt xuất huyết tại công trường", chị Ong Thị Kiều Nhiên, Giám sát phụ trách an toàn lao động và vệ sinh môi trường Trung tâm thương mại dịch vụ - siêu thị Gò Vấp thông tin.

Clip: Đoàn kiểm tra của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại công trình xây dựng.

Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, quận là một trong những địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân thấp nhất thành phố. Tuy nhiên, quận không được chủ quan. Vì đây là địa bàn rất phức tạp với nhiều kênh, rạch, cống rãnh, lưu thông kém, nhiều khu vực bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng, đất trống, gia đình đang đô thị hóa, đất trồng hoa xen lẫn nghĩa trang. Ngoài ra, còn có nhiều nơi thờ tự, nhóm thanh niên, nhà bán cây và lọ, quán cà phê và nhà hàng.

Hiện quận có 290 điểm nguy cơ có khả năng phát sinh bệnh sốt xuất huyết. Do đó, trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, vai trò trọng tâm vẫn là lãnh đạo địa phương làm tổng chỉ huy. Thời gian qua, quận lập nhiều đoàn kiểm tra để đúc thúc, chấn chỉnh việc loại bỏ các điểm nguy cơ có thể phát sinh lăng quăng.

"Quận xác định việc xử phạt không phải là biện pháp hữu hiệu mình phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đó là cũng là một việc phải làm. Không phải ngay từ đầu là xử phạt ngay mà sẽ phải xuống kiểm tra, nhắc nhở để chấn chỉnh nhiều lần. Nếu những trường hợp nào mà phường đã nhắc nhở nhưng không hợp tác, không phối hợp tốt, không khắc phục thì lúc đó sẽ phải xử phạt đó", bà My Thư cho biết.

Sốt xuất huyết truyền bệnh thế nào?Sốt xuất huyết truyền bệnh thế nào?

SKĐS - Sốt xuất huyết gây ra các triệu chứng giống như cúm và kéo dài từ 2-7 ngày. Sốt xuất huyết thường có thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.


Kim Vân
Ý kiến của bạn