TP.HCM bệnh tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm, 5 ghi nhớ để nhận biết bệnh

01-12-2023 14:54 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần 46 là 39.413 ca. Huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận Bình Tân là 3 địa phương có số ca mắc cao.

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệngDấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng

SKĐS - Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn đáng kể. Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch và bệnh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng cần phát hiện sớm

Theo TS. BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương: Trẻ bị sốt, mệt mỏi là dấu hiệu nhận biết sớm nhất của bệnh tay chân miệng. Và tùy vào từng giai đoạn, bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau, cụ thể như:

– Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng là 3 - 6 ngày.

– Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm:

+ Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37,5 - 38 độ C) hoặc bị sốt cao (38 - 39 độ C).

+ Đau họng.

+ Tổn thương, đau rát ở răng và miệng.

+ Chảy nước bọt nhiều.

+ Biếng ăn.

+ Tiêu chảy vài lần trong ngày.

– Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh), trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:

+ Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

+ Loét miệng: Ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ bị đau khi ăn, trẻ sẽ hay quấy khóc.

+ Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.

+ Dấu hiệu toàn thân: Rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.

+ Ở giai đoạn toàn phát, trẻ bắt đầu phát ban ở bàn chân.

+ Ngoài các triệu chứng điển hình trên, tùy vào từng cơ địa, bệnh tay chân miệng còn xuất hiện thêm các biểu hiện như: Bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban hoặc chỉ xuất hiện hồng ban. Một số trường hợp trẻ chỉ xuất hiện loét miệng.

– Nếu tình trạng bệnh nhẹ, sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trường hợp trẻ sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 48 giờ, kèm theo các biểu hiện như nôn ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi vằn... gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.

– Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, theo kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do những chủng virus khác với lần trước gây ra.

TP.HCM bệnh tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm, 5 ghi nhớ để nhận biết bệnh- Ảnh 2.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ.

Theo các bác sĩ, trên thực tế ghi nhận bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như:

- Bị viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng), bệnh nhân cần nhập viện để được điều trị.

- Các biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Đối với trẻ có biến chứng não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu ngủ, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân run, co giật, sốt cao, méo miệng... Khi xuất hiện biến chứng trên nếu không được phát hiện, điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

- Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì bệnh nhân cũng có thể bị bội nhiễm tại các nốt mụn trên da.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc tay chân miệng, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Để chẩn đoán xác định tay chân miệng các bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết như: Xét nghiệm máu, dịch não tủy trong những trường hợp có biến chứng thần kinh.

Ngoài ra, chẩn đoán Xquang ngực có thể thấy hình ảnh phù phổi cấp trong những trường hợp gây rối loạn chức năng cơ tim. Chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện những hình ảnh bất thường ở não nếu có biến chứng thần kinh trung ương. Để xác định tác nhân, mẫu bệnh phẩm lấy từ mụn nước, dịch hầu họng, phân… làm xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction) với độ nhạy cao và kết quả xét nghiệm nhanh.

Tóm lại: Hiện tại, vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Do vậy, biện pháp chính vẫn là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (nhất là sau khi thay quần áo, tã lót, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt), rửa sạch đồ chơi, sàn nhà bằng Cloramin B hoặc nước Javel, cách ly trẻ bệnh trong vòng 7 – 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh.

Với thời tiết như hiện nay cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi... chưa được khử trùng. Cần rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau bề mặt tiếp xúc bằng dung dịch Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.


Đăng Anh
Ý kiến của bạn