TP.HCM: Bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến

11-09-2015 09:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thống kê của Viện Pasteur thành phố, từ đầu năm đến nay, các tỉnh phía Nam đã có trên 22 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, đã có 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Theo những thông tin mới nhất thu thập từ các bệnh viện trong TP. HCM như bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới…số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm nay có chiều hướng tăng vọt với nhiều diễn biến bất thường. Mặc dù vẫn chưa vào giữa mùa mưa nhưng số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Viện Pasteur thành phố, từ đầu năm đến nay, các tỉnh phía Nam đã có trên 22 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, đã có 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, số trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện luôn duy trì ở mức cao kể từ tháng 7 đến nay. Nếu như vào tháng 4, 5 vừa qua, mỗi ngày chỉ có khoảng 30-40 trẻ sốt xuất huyết điều trị nội trú, thì trong 2 tháng gần đây, trung bình tại khoa luôn duy trì ở mức 102 trẻ mắc sốt xuất huyết nằm viện với gần 20 ca nặng. “Năm 2015 rơi vào chu kỳ 3-5 sốt xuất huyết lại tăng cao một lần và năm nay trùng vào đúng thời điểm đó. Trong số 16 ca sốt xuất huyết tử vong nói trên, 6 bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (4 ca ở tỉnh chuyển lên, 2 ca sinh sống tại TP.HCM)”, bác sĩ Tuấn cảnh báo

Tại khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cũng ghi nhận khoảng 80 trẻ nhập viện điều trị nội trú vì mắc sốt xuất huyết mỗi ngày. Từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi ngày bệnh viện có gần 100 ca sốt xuất huyết điều trị nội trú và tiếp nhận thêm 40-50 mới, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Phó khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Số lượng ca nặng chiếm từ 10 đến 20%, thường gặp nhất là sốc nhiễm trùng, xuất huyết, tổn thương đa cơ quan như gan, tim, não, đã có 5 ca tử vong. Nhiều trường hợp nặng được chuyển lên từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu...

Còn theo số liệu do bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Dũng- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Tp HCM cho biết, so với cùng kỳ năm 2014 nếu chỉ tính riêng trong tháng 8- 2014 số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là 1203 người thì trong tháng 8 vừa qua, số bệnh nhân khám bệnh tại bệnh viện là 2170 người (tăng gấp đôi). Đặc biệt, chỉ mới 10 ngày đầu tháng 9 đã có tới 611 người khám bệnh sốt xuất huyết trong khi tính đến thời điểm này của tháng 9 năm 2014 chỉ có 223 người (tăng gần gấp 3). Thông thường, trẻ em từ 1-15 tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh, nhiều nhất là lứa tuổi 2-9 tuổi… còn theo ghi nhận của bệnh viện thì số lượng người lớn mắc sốt xuất huyết năm nay rất cao. Người bệnh lớn tuổi nhất sinh năm 1938.

Mùa mưa chỉ mới bắt đầu và sẽ còn kéo dài khoảng 3 tháng nữa tại khu vực phía Nam, vì thế “đỉnh dịch” vẫn còn phía trước, việc đề phòng là rất quan trọng và cấp thiết. Sốt xuất huyết chưa bao giờ bùng phát mạnh mẽ ở nước ta như hiện nay, nguyên nhân của điều này một phần là hậu quả của biến đổi khí hậu làm các mùa trong năm thay đổi. Một dấu hiệu dễ nhận thấy của biến đổi khí hậu khiến cho dịch bệnh gia tăng. Đó là do các vùng đất bị xâm nhập mặn kéo dài khiến cho vi trùng sốt xuất huyết có thêm vùng sinh sản và phát triển.

Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết rất dễ nhầm với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng nên phụ huynh cần theo dõi trẻ thật kỹ. Đặc tính của bệnh sốt xuất huyết ngay từ khi khởi phát bệnh nhân đã sốt rất cao (từ 39 độ). Nếu được uống thuốc hạ sốt, thân nhiệt sẽ giảm nhưng rồi lại tăng cao trở lại. Bị sốt xuất huyết sẽ rất mệt mỏi, lừ đừ, trẻ không thể xem ti vi, thực hiện những hoạt động đơn giản thường ngày. Từ ngày khởi bệnh thứ 4 trở đi là giai đoạn sốc sốt xuất huyết có thể xảy ra. Lúc này bệnh nhân sẽ nôn ói, đau bụng, biến chứng suy đa cơ quan, tử vong rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời. Khi nghi ngờ trẻ hay trong gia đình có người bị sốt xuất huyết, cần đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Những trường hợp sốt xuất huyết tử vong thường do nhập viện quá muộn.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam khuyên, trong bất kỳ trường hợp nào khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường về đường hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt là biểu hiện sốt, người nhà nên đưa bé đến bệnh viện khám sớm. Cần cảnh giác với các trường hợp âm tính giả bởi thực tế có đến gần 30% trường hợp sốt xuất huyết đã được khám lại bị bỏ sót. Bác sĩ Nam cho biết hầu hết trường hợp sốt xuất huyết đều tự khỏi, chỉ khoảng 10% dẫn đến biến chứng. Bệnh chưa có thuốc chữa nên việc có thuốc điều trị mà đến bệnh viện để điều trị những biến chứng và phòng tránh nguy cơ diễn tiến nặng thêm.

Tùng Chi

 


Ý kiến của bạn