Tại khách sạn Kim Đô (đường Nguyễn Huệ, Quận 1), sau dịch COVID-19, lực lượng lao động của đơn vị giảm khoảng 30-40%.
Theo bà Nguyễn Thị Yến Xuân - Trưởng phòng Nhân sự của Kim Đô, lượng nghỉ việc này còn ít hơn so với một số nơi khác (từ 50-60%). Khách sạn Kim Đô liên tục tuyển dụng để đáp ứng được nhu cầu hoạt động trở lại từ đó đến nay, tuy nhiên, nguồn lực vẫn chưa phù hợp với mong muốn của khách sạn. Nhất là giai đoạn sau Tết vừa qua, nhiều vị trí cũng đã nghỉ việc, nhu cầu tuyển dụng càng cần thiết hơn.
Bà Yến Xuân cho hay, một khó khăn của khách sạn Kim Đô là mức lương nhà nước cho các vị trí về lễ tân, dọn phòng... không cạnh tranh được với nhiều đơn vị khác.
Tương tự, chị Đoàn Thị Yến Nhi - chuyên viên hành chính nhân sự - Phòng nghiệp vụ tổng hợp, Công ty Cổ phần lữ hành Vietluxtour cho biết, công ty không ngại tuyển dụng những lao động mới ra trường để về đào tạo nhằm đáp ứng công việc, chỉ cần tìm được những ứng viên có sức trẻ và nhiệt huyết trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, trong khi mùa du lịch đang đến gần, doanh nghiệp này vẫn chưa có nguồn nhân sự đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển.
Theo đánh giá của Sở Du lịch TP.HCM, sau tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng. Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Thực tế cho thấy, 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Nhân sự một công ty Du lịch tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, 90% lực lượng ứng viên mới tốt nghiệp đều cần đào tạo lại để có thể thích ứng dần với công việc. Kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, với đồng nghiệp của một số ứng viên còn nhiều hạn chế. Năng lực ngoại ngữ và thái độ làm việc chưa đạt như kỳ vọng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, khó khăn nhất của ngành du lịch là tuyển dụng không được những nhân sự có thâm niên, kinh nghiệm, do đa số những người lành nghề đã chuyển dịch sang ngành nghề khác trong giai đoạn dịch, rất khó quay trở lại. Phần lớn lao động đều là những sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp tuyển dụng sẽ phải đầu tư để đào tạo cho đội ngũ này.
Sở Du lịch TP.HCM cũng đã có sự đã kết nối các đơn vị liên quan, nhằm lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Cũng theo bà Hiếu, các đơn vị cần đào tạo như thế nào để nhân sự ra trường là đi làm được ngay, không cần doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu nữa.
"Chúng tôi cũng đã có những chương trình trong năm 2023 đối với đội ngũ hướng dẫn viên, quản lý. Thông qua các hội thi về nghề nghiệp như hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, hội thi về dịch vụ buồng phòng sẽ giúp cho các bạn nâng cao tay nghề, trở nên gắn bó với ngành du lịch trong thời gian tới", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho hay.
Ngày 7/4, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức "Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch TP.HCM năm 2023" tại Công viên 23-9 (Quận 1).
Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch TP.HCM có hơn 1.000 cơ hội việc làm dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp cũng như người lao động khi đến tham gia tuyển dụng với các vị trí như trưởng phòng bán hàng, truyền thông; điều hành tour; chăm sóc khách hàng, hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, lễ tân, buồng, phục vụ bàn, phụ bếp…
TP.HCM đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu du dịch đạt trên 160 ngàn tỉ đồng. Như vậy, để đạt được điều đó, tất cả các hoạt động cũng như công suất của việc phục vụ của các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải hiệu quả nhất, trong đó không thể thiếu vai trò của nguồn nhân lực.