Hà Nội

TP.HCM: 12 khuyến cáo giúp bệnh viện phòng COVID-19 trong giai đoạn dịch đã được kiểm soát

24-05-2020 07:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sở Y tế TP.HCM vừa đưa ra Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 trong giai đoạn dịch bệnh đã được kiểm soát

Mục đích của khuyến cáo nhằm giúp cho các bệnh viện tiếp tục duy trì các hoạt động tầm soát, kịp thời phát hiện ca mắc và hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước ta về cơ bản đã được kiểm soát.

Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau những mô hình và cách làm có hiệu quả, khuyến cáo này cũng là căn cứ để Sở Y tế tiến hành đánh giá việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống dịch tại các bệnh viện trong thời gian tới.

1. Tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch trong thời gian vừa qua để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm dịch COVID-19 và làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh nhiễm trùng khác trong bệnh viện. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch tại các khoa, phòng trong toàn bệnh viện; định kỳ hàng tháng đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19 (theo Bộ tiêu chí do Sở Y tế ban hành) để làm căn cứ thực tiễn cho hoạt động cải tiến chất lượng về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

2. Duy trì hoạt động kiểm tra, sàng lọc 24/7 đối với tất cả mọi người khi vào bệnh viện, đảm bảo mọi người đều phải mang khẩu trang, đo thân nhiệt, vệ sinh tay và thực hiện tờ khai y tế. Nội dung tờ khai y tế cần được cập nhật phù hợp với tình hình mới và phù hợp quy định. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện tờ khai y tế, đánh dấu nhận diện người đã qua sàng lọc. Duy trì buồng khám sàng lọc ngay gần cổng vào hoặc tiền sảnh gần nơi thực hiện tờ khai y tế, biệt lập với các khoa, phòng khác; khu cách ly (nếu có) bố trí ở gần buồng khám sàng lọc, đảm bảo thông thoáng và tách biệt khỏi các khoa phòng khác của bệnh viện.

3. Chuyển ngay người bệnh vào khu cách ly nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và chuyển mẫu đến bệnh viện được phép thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Bố trí mỗi người bệnh một buồng riêng trong khi chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả dương tính, chuyển người bệnh đến một trong các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị. Tiến hành khử khuẩn và vệ sinh buồng bệnh ngay khi người bệnh rời khỏi khu cách ly của bệnh viện. Trường hợp bệnh viện không có khu cách ly thì phải có buồng cách ly tạm dành cho người bệnh nghi mắc COVID-19 trong thời gian chờ làm thủ tục chuyển đến bệnh viện được phân công tiếp nhận theo dõi, điều trị.

4. Mở rộng đối tượng khám sàng lọc và chỉ định xét nghiệm tìm SARS-CoV-2 theo kế hoạch của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đã được Sở Y tế phê duyệt đối với các trường hợp đến khám hoặc đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện của hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút, trong đó cần đặc biệt quan tâm đối với các chùm ca bệnh (có từ 02 trường hợp mắc ở cùng một hộ gia đình hoặc cùng một lớp học hoặc cùng một phòng làm việc,…) hoặc nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Những trường hợp không rõ ràng cần liên hệ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố hoặc các bệnh viện tuyến cuối được Bộ Y tế phân công để được tư vấn.

5. Duy trì buồng cấp cứu sàng lọc tại khoa Cấp cứu của các bệnh viện, đảm bảo tất cả trường hợp cấp cứu sau khi được sơ cứu hoặc hồi sức cấp cứu đều được sàng lọc các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19 hoặc hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo quy định khi có chỉ định. Đảm bảo nhân viên y tế thường trực tại buồng cấp cứu sàng lọc sử dụng phương tiện phòng hộ đúng quy định. Tiến hành khử khuẩn và vệ sinh buồng cấp cứu sàng lọc ngay sau khi người bệnh rời khỏi.

6. Đảm bảo cung ứng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cho tất cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác khám, chữa bệnh hoặc thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh nghi ngờ hay mắc COVID-19 hoặc có biểu hiện của hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút. Nhân viên bệnh viện phải sử dụng đúng các loại phương tiện phòng hộ cá nhân trong từng tình huống cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Y tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

7. Lưu ý trường hợp người bệnh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam từ nước ngoài được chuyển về để điều trị tiếp vì các bệnh lý khác nhau phải được xét nghiệm tìm SARS-CoV-2, chăm sóc và theo dõi trong khu cách ly của các bệnh viện theo đúng quy định. Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm tại chỗ, chụp X-quang và siêu âm tại giường khi có chỉ định đối với các trường hợp đang điều trị nội trú có xuất hiện triệu chứng nghi ngờ COVID-19 hoặc có biểu hiện hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo với các khoa phòng khác trong bệnh viện.

8. Đảm bảo các buồng cách ly tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận và điều trị người bệnh mắc COVID-19 luôn sẵn sàng hoạt động. Ưu tiên sử dụng buồng cách ly đối với các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 cần hỗ trợ hô hấp hoặc can thiệp phẫu thuật, thủ thuật có tạo ra khí dung. Các buồng mới được lắp đặt phải được nghiệm thu căn cứ vào các tiêu chí kỹ thuật do Hội đồng Khoa học Công nghệ Sở Y tế ban hành (trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế)...

9. Các bệnh viện tuyến trên ưu tiên tiếp nhận người bệnh nặng do tuyến dưới chuyển tuyến, và hạn chế tối đa các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Khuyến khích tăng cường triển khai khám theo giờ hẹn trước, hạn chế tình trạng tập trung đông người tại khoa Khám bệnh, có giải pháp hạn chế số lượng người đến bệnh viện để thăm bệnh. Có giải pháp tác động để duy trì giữ khoảng cách tối thiểu giữa người bệnh, thân nhân người bệnh (nếu được). Duy trì hoạt động của các “trạm vệ sinh tay” tại khoa Khám bệnh và các khoa, phòng trong bệnh viện, có giải pháp khuyến khích người bệnh và thân nhân người bệnh thường xuyên rửa tay hoặc sát trùng tay.

10. Đào tạo và đào tạo lại về kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình tiếp nhận, sàng lọc, thu dung người bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 và các nội dung khác có liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 cho tất cả nhân viên tùy theo vị trí công tác. Riêng bác sĩ, điều dưỡng phải được đào tạo cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút SARS-CoV-2 do Bộ Y tế ban hành, khuyến khích tổ chức sinh hoạt chuyên môn cập nhật các thể lâm sàng khác nhau của dịch bệnh COVID-19 được đăng tải trên các tạp chí khoa học có giá trị.

11. Duy trì hình thức họp hoặc giao ban trực tuyến, hội chẩn từ xa. Có phương án bố trí nhân lực làm việc theo ca với nhân sự cố định, các kíp trực không tiếp xúc trực tiếp với nhau dự phòng tình huống lây nhiễm chéo xảy ra và phải cách ly y tế theo quy định; huy động bác sĩ các khoa khác hỗ trợ khoa Nhiễm (khi cần) giúp đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe cho các bác sĩ của khoa Nhiễm. Giám sát tất cả nhân viên y tế mắc hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt chú ý những người đã chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh mắc hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.

12. Khi phát hiện trong khoa, phòng có người mắc COVID-19 hoặc có người tiếp xúc với người mắc COVID-19 (mà không phải là người bệnh đến khám bệnh), Giám đốc bệnh viện phải ban hành Quyết định thiết lập vùng cách ly đối với quy mô khoa, phòng và quy mô liên khoa, phòng, lập danh sách tất cả người tiếp xúc để thực hiện việc cách ly theo quy định, đồng thời báo cáo Sở Y tế. Thực hiện khử khuẩn toàn bộ khoa, phòng có liên quan trước khi hoạt động trở lại.


P.H
Ý kiến của bạn