Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong vòng 6 năm (2017-2022) Ban đi lấy mẫu kiểm tra các hàng tươi sống trên địa bàn TP.HCM, kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ vi phạm chất lượng đang giảm dần theo thời gian.
Theo đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã tiến hành lấy các mẫu rau củ tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM để kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy có hơn 90% số mẫu đạt chuẩn chất lượng và gần 10% mẫu rau củ quả không đạt chất lượng do có chứa dư lượng bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép.
Hiện nay TP.HCM đã bắt buộc các căng tin, bếp ăn trường học, nhà hàng, siêu thị và các kênh phân phối hiện đại phải dùng các loại hàng hóa phải đạt chuẩn VietGAP. Nhưng trên thực tế, số thực phẩm đạt VietGAP vào các kênh này chưa cao. Cụ thể, rau củ quả chỉ đạt khoảng 20%, trứng đạt khoảng 60%, thủy hải sản rất thấp chỉ đạt khoảng 10%…
Tuy nhiên, bà Lan nhấn mạnh rằng : "Không phải sản phẩm không đạt VietGAP nghĩa là không an toàn".
Liên quan đến việc xuất hiện nhiều hành vi gian dối, hô biến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ thành sản phẩm VietGAP tại các siêu thị tại TP.HCM gần đây, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết, việc này không những gây ảnh hưởng tới sức khỏe, mất lòng tin của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan cho rằng, việc quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" mới vào cuộc mà phải thực thi liên tục, từng ngày, từng giờ.
Thực tế, do các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, chưa đảm bảo được chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định nên tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm của Việt Nam so với những nước khác vẫn còn cao. Để nâng cao chất lượng thực phẩm, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất, cần tiến hành xử lý hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hướng đến sức khoẻ cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn hai cơ sở và tước quyền sử dụng giấy phép một cơ sở sản xuất…