Theo tìm hiểu của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bộ sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) này được nhập khẩu và phân phối độc quyền bởi Công ty Delap (Hà Nội).
Trên các website được liên kết trực tiếp từ fanpage chính thức của Công ty Delap và vesi....com hiện đang quảng cáo về các sản phẩm TPCN hỗ trợ giảm ho như Broncamil, Propoli.... đăng tải bài viết với tiêu đề Trẻ bị viêm họng cấp uống thuốc gì? – Hướng dẫn của Bộ Y tế
Theo đó, nội dung bài viết đưa ra những thông tin có trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh tai mũi họng năm 2015 (Ban hành kèm Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Tuy nhiên, ngoài những thông tin cơ bản về điều trị viêm họng, bài viết còn đề cấp đến một số thông tin không hề có trong hướng dẫn này.
Cụ thể, bài viết nhắc đến các dòng sản phẩm siro là danh sách thuốc ho cần dùng khi trẻ em bị viêm họng cấp. Điều đáng nói, dòng siro này với các sản phẩm Broncamil, Propoli, Tussiflux Junior chỉ là TPBVSK không có công dụng điều trị bệnh và cũng không có trong danh mục thuốc dùng khi trẻ em bị viêm họng cấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), lãnh đạo Cục Quản lý, Khám chữa bệnh (đơn vị tham mưu cho cho Bộ Y tế về hướng dẫn trên) cho biết: "Không có bất kỳ TPCN nào xuất hiện trong danh mục thuốc điều trị, nhất là trong hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp các đơn vị lợi dụng hình ảnh Bộ cho việc quảng cáo thì cần xử phạt nghiêm theo quy định".
Không chỉ vậy, một số sản phẩm hiện đang quảng cáo "tự nhận" là số 1, tốt nhất. Theo đó, tại các trang web chamsocbeyeu.com.vn; sonno.vn, trang fanpage chính thức đang quảng cáo các TPCN thuộc dòng như: Siro trị ho cho trẻ số 1 từ thảo dược chuẩn Châu Âu; Bí quyết số 1 cho giai đoạn vàng của não bộ; Lựa chọn số 1 cho trẻ bị khó ngủ, ít ngủ, giật mình quấy khóc; Top 4 siro thảo dược tốt nhất cho trẻ bị viêm họng...
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật quảng cáo 2012, được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL: Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Tuy nhiên, trong những quảng cáo "tự nhận" là số một cđều không đăng tải kèm theo tài liệu liên quan hay chứng nhận được tổ chức có thẩm quyền cung cấp.