Hà Nội

TP Hồ Chí Minh:Tỷ lệ khám chữa bệnh tại BV quận huyên tăng

16-06-2017 10:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sơ kết tình hình khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy tiếp tục có sự thay đổi nhẹ về phân bố tỉ lệ lượt khám chữa bệnh...

Sơ kết tình hình khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy tiếp tục có sự thay đổi nhẹ về phân bố tỉ lệ lượt khám chữa bệnh, nếu như số lượt đến khám chữa bệnh tại các BV thành phố giảm nhẹ gần 1% so với cùng kỳ thì số lượt đến khám tại các BV quận, huyện đã tăng 16%, khối bệnh viện tư cũng tăng 17%.

Điều đáng ghi nhận, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở mới, trong thời gian qua ngành y tế Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và mô hình mới nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho y tế cơ sở góp phần giảm tải cho các BV thành phố.

Đó là mô hình khoa vệ tinh của các BV Thành phố tại các bệnh viện quận, huyện tiếp tục phát huy tác dụng, bên cạnh những bệnh viện tuyến quận, huyện đã tự đứng vững đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn thậm chí bắt đầu có hiện tượng quá tải như BV quận Thủ Đức, BV quận Tân Phú, BV quận Bình Tân, BV quận 2,… thì những bệnh viện quận, huyện vốn rất khó thu hút người dân trước đây cũng bắt đầu phát triển và thu hút đông người bệnh như BV Quận 11, BV huyện Nhà bè,… và nhất là BV huyện Củ Chi.

Đó là mô hình Phòng khám đa khoa của bệnh viện quận, huyện tại Trạm y tế (phòng khám đa khoa của BV quận Thủ Đức đặt tại Trạm y tế phường Bình Chiểu đã thu hút trung bình 100 lượt BN/ngày, phòng khám đa khoa của BV quận Tân Phú đặt tại Trạm y tế phường Tây Thạnh tuy mới bắt đầu hoạt động nhưng cũng đã thu hút 30 lượt BN/ngày) và mô hình Phòng khám đa khoa xã hội hoá tại Trạm y tế (Quận 3). Với 2 cơ chế hoạt động khác nhau nhưng đều cùng chung một mục đích là tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Bước đầu đánh giá, cả 2 mô hình này đều phát huy hiệu quả thu hút người dân đến khám thay vì đến bệnh viện, nếu như được nhân rộng trong toàn thành phố thì chắc chắn hình “tam giác ngược” sẽ còn dịch chuyển mạnh trong thời gian tới.

Đó là mô hình phối hợp công – tư giữa các BV Thành phố và BV tư nhân, hiện nay 3 cấp độ phối hợp đã được thí điểm triển khai, đó là: phòng khám của BV công đặt tại BV tư (BV Nhi Đồng 1 đặt phòng khám tại BV Triều An, BV Nhi Đồng 2 đặt phòng khám tại BV Hồng Đức), khoa điều trị nội trú của BV công đặt tại BV tư (BV Ung bướu triển khai phẫu thuật bướu cổ đặt tại khoa Ung thư của BV Hồng Đức), và cấp độ quy mô nhất là bệnh viện phối hợp công – tư (BV Nhân Dân 115 phối hợp BV quốc tế Hoa Lâm).

Ngoài ra, ngành y tế Thành phố đã xây dựng đề án và trình Ủy ban nhân dân thành phố triển khai bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016 – 2020 tại các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, với đề án này sẽ có 8 bệnh viện Thành phố làm bệnh viện hạt nhân, bao gồm: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và Bệnh viện Ung bướu và 38 bệnh viện vệ tinh tại 26 bệnh viện của 20 tỉnh thành, bao gồm các tỉnh Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Thành phố Cần Thơ.


SỞ Y TẾ TP.HCM
Ý kiến của bạn