Hà Nội

TP. Hồ Chí Minh: Bé trai 5 tuổi tử vong nghi mắc tay chân miệng, những lưu ý đặc biệt với cha mẹ

01-06-2023 16:50 | Y tế
google news

SKĐS - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vừa qua, các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa một trường hợp nghi mắc bệnh tay chân miệng nhưng tình trạng quá nặng, bệnh nhi đã tử vong vào đêm qua (31/5).

Ngày 1/6, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin một bệnh nhi 5 tuổi đã tử vong đêm qua (31/5) nghi ngờ do bệnh tay chân miệng.

Cụ thể, sáng 31/5, bé trai N.H.D., 5 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê sâu, co gồng, chi mát, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao (41.2 độ C).

Khai thác bệnh sử, trước đó 4 ngày, bé có các triệu chứng lở môi, ăn uống kém, ói. Ngày thứ 4, bé sốt 39 độ kèm run toàn thân, gọi không biết, vã mồ hôi. Gia đình đưa bé đi nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Bé trai 5 tuổi tử vong nghi mắc tay chân miệng - Ảnh 1.

Trẻ bị tay chân miệng nên mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, cha mẹ không bôi bất cứ thuốc hay kem gì lên những vết phỏng mụn rộp của trẻ khi chưa được bác sĩ chỉ định. Ảnh: Giao Linh

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ tại đây chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng độ 4. Bệnh nhân được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp – tuần hoàn, lọc máu theo hướng dẫn điều trị Bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế.

Tuy nhiên do tình trạng bệnh nhân rất nặng, nên đến chiều tối cùng ngày, người bệnh đã tử vong.

Nguyên nhân tử vong được nghĩ nhiều do bệnh tay chân miệng. Hiện bệnh viện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR xác định.

Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, bệnh viện tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú do bệnh tay chân miệng.

Đến thời điểm hiện tại, số liệu thống kê cho thấy số lượng bệnh tay chân miệng không tăng so với năm 2022, nhưng số bệnh nhân nặng tăng so với cùng kỳ, đã có 5 trường hợp nặng (trong đó có 2 trường hợp ở TP.HCM và 3 ca ở các tỉnh), trong đó có 1 ca tử vong nói trên.

Cách chăm sóc và phòng tránh bệnh tay chân miệng lây lan

Bệnh tay chân miệng là bệnh lý khá phổ biến, có khả năng lây nhiễm nhanh, thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi chưa có vaccine để phòng bệnh đặc hiệu, việc chăm sóc trẻ bị bệnh và đề phòng lây nhiễm luôn là việc làm cần thiết. Cụ thể:

Khi chăm sóc trẻ bị bệnh tại gia đình, để tránh trẻ bị mất nước cần cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là uống dung dịch Oresol đúng theo hướng dẫn.

Bên cạnh đó cần cho trẻ ăn cháo loãng, súp, sữa, nước trái cây… để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

- Cần mặc quần áo cho trẻ thoải mái, thoáng mát, không bôi bất cứ thuốc hay kem gì lên những vết phỏng mụn rộp của trẻ khi chưa được bác sĩ chỉ định.

- Có thể tắm cho trẻ bị tay chân miệng nhưng nên tắm bằng nước ấm và sạch ở trong phòng kín gió.

- Tránh chọc vỡ phỏng mụn nước của trẻ hoặc sử dụng các loại lá tắm để tránh nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.

- Đặc biệt, cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó để phòng bệnh lây lan ra cộng đồng cần:

- Phát hiện và cách ly trẻ bệnh với trẻ lành càng sớm càng tốt

- Tránh tiếp xúc như hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén…;

- Hàng ngày cần rửa tay đúng và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

- Hướng dẫn trẻ cách chăm sóc răng miệng hiệu quả.

- Đồng thời làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.

7 sai lầm thường gặp khi điều trị tay chân miệng cho trẻ7 sai lầm thường gặp khi điều trị tay chân miệng cho trẻ

SKĐS - Tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ. Bệnh sẽ khỏi nhanh chóng nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm khi áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị không đúng...


Kim Vân
Ý kiến của bạn