TP HCM: Trường học nói 'không' với sản phẩm nhựa dùng một lần

24-08-2019 20:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Thông tin từ Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, các trường học trên địa bàn Thành phố.

ở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” ngành giáo dục và đào tạo Thành phố giai đoạn 2019-2021. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên, thay đổi hành vi, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Năm học 2019-2020, trường học ở TPHCM nói "không" với ly nhựa và ống hút nhựa sử dụng một lần.

Theo đó, các phong trào này sẽ gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đưa vào quy chế hoạt động của các đơn vị.

Cũng theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, từ ngày 1/8/2019 trở đi, các phòng, ban cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố có kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ly nhựa, ống hút nhựa) trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị, đặc biệt hạn chế sử dụng nước uống đóng chai (thể tích 330-500ml) trong công sở, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (từ 20l trở lên) hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, giáo viên, nhân viên, người lao động, học sinh, sinh viên về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa, tăng cường các sản phẩm thân thiện môi trường.

Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, năm học 2019-2020, tất cả trường học trên địa bàn Thành phố phải xây dựng nhà trường đạt yêu cầu "Văn minh, an toàn và xanh - sạch - đẹp", thực hiện lớp học không rác, trường học không rác và lễ hội không rác. Thủ trưởng từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động, có lộ trình, sơ kết, tổng kết đánh giá, tuyên dương khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình thực hiện, cũng như đề xuất các mô hình, giải pháp cụ thể, hiệu quả góp phần xây dựng bảo vệ môi trường.

Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Mặt khác, ảnh hưởng đến vùng biển và sinh vật biển, có khi là cả chuỗi thức ăn của con người và thực trạng lạm dụng sử dụng đồ nhựa, hiện đang là vấn đề nóng hổi. Thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nylon mỗi ngày và hàng triệu túi nylon được sử dụng thải ra môi trường hàng ngày.
Vấn đề trên cho thấy, hiểm họa đại dương vì rác thải nhựa là không thể tránh khỏi. Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ đã có báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng). Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy.
Bên cạnh đó, nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

 


Trần Lực
Ý kiến của bạn