TP. HCM "ra quân" diệt chuột cống lông nâu mang mầm bệnh suy thận

29-11-2012 15:20 | Thời sự
google news

Kết quả kiểm nghiệm 25 mẫu chuột (chuột cống, chuột nhắt bắt ở khu vực P.9, Q.3) của Viện Pasteur TP.HCM mới đây cho thấy có 3 mẫu dương tính với virút Hanta,

Bất kể ngày đêm, đàn chuột “vô tư” kéo nhau ra kiếm ăn. Sự bùng phát về nạn chuột đang tiềm ẩn nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trở thành nỗi ám ảnh của cư dân đô thị.

Kết quả kiểm nghiệm 25 mẫu chuột (chuột cống, chuột nhắt bắt ở khu vực P.9, Q.3) của Viện Pasteur TP.HCM mới đây cho thấy có 3 mẫu dương tính với virút Hanta, một loại virút có thể gây suy thận và tử vong cho người. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM (TTYTDP) yêu cầu các quận huyện lên kế hoạch diệt chuột cống lông nâu mang virút Hanta.

Chuột “đại náo” khu dân cư

Mới đây, ông T.V.T (55 tuổi, ngụ tại Trần Văn Đang, P.9, Q.3) phải nhập viện tại BV. Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM vì trước đó trong khi nằm ngủ ông bị chuột cống cắn vào ngón chân mà không đi tiêm ngừa. Tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm, các bác sĩ cho biết ông T. dương tính với virút Hanta. Chị Phạm Thị Hoa, vợ bệnh nhân N.V.T, cho biết: “Nhà tôi bán vật liệu xây dựng, ở gần ga xe lửa nên chuột nhiều lắm. Cũng có nhiều người bị cắn, chứ đâu phải riêng chồng, con tôi. Có người bị chuột cắn, máu chảy ròng ròng nhưng không sao. Bởi vậy, lúc hai cha con bị chuột cắn, ổng không có đi chích ngừa vì nghĩ chẳng sao. Tôi thì đưa thằng bé con đi chích ngừa ở Viện Pastuer TP.HCM 2 mũi rồi, còn một mũi hẹn qua tháng 4/2013 chích tiếp”.

TP. HCM "ra quân" diệt chuột cống lông nâu mang mầm bệnh suy thận 1
Người dân tích cực diệt chuột. Ảnh: nguồn 24h.com.vn

Ngay sau đó, Viện Pastuer TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã xuống khu vực P.9, Q.3 để giúp người dân đặt bẫy lồng bắt chuột. Một nhân viên của Viện Pasteur cho biết, với 100 lồng bẫy, đặt trong 3 ngày đã bắt được vài chục con. Có chuột cống to bằng con sóc và có cả chuột nhắt. Số chuột bắt được sẽ đem về làm xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm 25 mẫu chuột cho thấy có 3 mẫu dương tính với virút Hanta. TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc TTYTDP TP.HCM, cho biết: trước đây cũng đã có một bệnh nhân bị viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng từ chuột vì ăn ốc bươu (con ốc nhiễm phân chuột) chưa qua nấu chín. BS. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (Phó khoa Xét nghiệm lâm sàng, viện Pasteur) cho biết: “Trung bình mỗi tháng, Viện tiếp nhận từ 30 - 50 trường hợp bị chuột cắn đến tiêm ngừa uốn ván. Các trường hợp này bị chuột cống, chuột nhắt, và cả chuột nuôi làm cảnh tấn công”.

Trước tình hình trên, kế hoạch diệt chuột đã được triển khai từ 2 tuần trước, sau khi có bệnh nhân nhập viện do chuột cắn. TTYTDP TP.HCM hiện đang tiếp tục yêu cầu 24 quận huyện chú ý tiêu diệt loại chuột cống có nguy cơ gây viêm thận mà Viện Pasteur TP.HCM vừa phát hiện. Nguồn thuốc diệt chuột do y tế dự phòng thành phố cung cấp.

Người dân vẫn khổ sở vì nạn chuột

Tuyến đường Trần Văn Đang (P.9, Q.3, TP.HCM), nhắc đến chuột, người dân nơi đây không còn cảm thấy bất ngờ. Hầu hết mọi người đã quen với cảnh đào bới, tàn phá của lũ chuột dưới cống ngoi lên. Rất nhiều phương pháp, nhưng cuối cùng đâu lại vào đó, chuột vẫn lộng hành. Một người dân sinh sống tại đây cho biết: “Chuột ở khu vực này rất nhiều do gần ga tàu hỏa Sài Gòn”. Theo người dân nơi đây, gần đây chuột càng lộng hành hơn khi hẻm 79 có một ngôi nhà bỏ hoang, nhiều người dân thiếu ý thức đã tập kết rác xung quanh ngôi nhà này. Dù nơi này luôn có người qua lại và nằm sát vách nhiều hộ dân khác; nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến việc kiếm ăn của đàn chuột. Khi lượng thức ăn ở đây hết, đàn chuột bắt đầu đào lỗ tràn vào nhà dân, đục tung nền gạch, cắn xé bất kỳ thứ gì chúng gặp phải. Khổ sở nhất có lẽ là những người ở những khu nhà trọ ẩm thấp, dọc bờ kênh vì quanh năm suốt tháng phải sống chung với chuột. “Ban ngày mà chúng dám kéo cả bầy vào bếp lục tung xoong nồi tìm thức ăn, gặp thứ gì cắn thứ đó”, chị Đạo Ngọc Nhiên (ngụ tại P.9, Q.8) kể lại. Chị Nhiên cho biết thêm: “Lũ chuột tinh ranh lắm, tôi dùng bẫy lồng nhưng chỉ bắt được một lần, sau đó không con nào dính nữa. Đặt keo dính chuột cũng chỉ bắt được mấy con chuột nhắt chứ lũ chuột cống thì thua. Tôi phải nhờ đến công ty diệt chuột xuống giải cứu”.

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết: “Do điều kiện đô thị đông dân cư nên lượng rác thải lớn; lượng thức ăn thừa của người dân bỏ ra nhiều, đặc biệt tại các hộ kinh doanh thức ăn, nhà hàng; mặt khác TP.HCM lại là nơi có nhiều kênh rạch nên đây chính là điều kiện thuận lợi khiến chuột sinh sôi nảy nở. Việc chuột bò lên mặt đường, cống là chuyện không còn mới. Bên cạnh đó, các phương pháp diệt chuột hiện nay đều dần dần giảm hiệu quả do chuột đã quen với các loại bẫy và quen với mùi hóa chất diệt chuột thông thường. Từ trước đến nay chúng tôi từng khuyến cáo người dân dùng mọi cách, từ đặt bẫy đến dùng thuốc; nhưng lượng chuột bị tiêu diệt không đáng là bao”.

Theo TS. Siêu, hàng chục năm trước, TP.HCM cũng có những chiến dịch diệt chuột trên toàn thành phố để ngăn chặn dịch hạch. Những năm gần đây, “chiến dịch diệt chuột” chỉ được thực hiện ở quy mô của từng quận, huyện. Việc diệt chuột được thực hiện tập trung tại các chợ đầu mối, bến bãi, nhà kho… TTYTDP  hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cấp hóa chất diệt chuột có tên là “Stom”. Xác chuột sẽ được thu gom và xử lý bằng vôi bột hay hóa chất để khử khuẩn.  Tuy nhiên, việc diệt hết chuột sinh sống dưới cống rãnh ở TP.HCM là điều khó có thể.

TS. Siêu cho biết thêm, chuột là loài vật mang nhiều mầm bệnh, cũng như các loại động vật khác, thông thường vết cắn có thể gây nhiễm vi trùng uốn ván. Trước đây, người ta cũng lo ngại chuột cắn có thể lây bệnh dại; tuy nhiên thực tế cho thấy khả năng truyền bệnh dại cho người qua vết cắn rất hiếm. Hanta virus có trong chuột và có thể truyền cho người khi người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột. Tuy nhiên, không phải ai bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột cũng nhiễm Hanta virus. Nguy hiểm ở chỗ chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị. Với những trường hợp bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột, nếu thấy sốt cao thì phải lập tức đến bệnh viện và báo cho bác sĩ để được chẩn đoán điều trị. TTYTDP TP.HCM khuyến cáo, ngoài đánh bẫy chuột, cần làm sạch môi trường sống để hạn chế chuột hoành hành. Chuột cống gây bệnh không làm tổ sinh sản trong nhà nên lý do khiến chúng vào nhà là tìm thức ăn. Chính vì thế nên dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, các loại thức ăn thừa hay rác sinh hoạt cần được cho vào thùng rác hoặc đậy kín

 HẢI DƯ

Xử trí khi bị chuột cắn

Khi bị chuột cắn, ngoài việc săn sóc vết thương, nên đến cơ sở y tế chích ngừa uốn ván. Trường hợp hiếm, bác sĩ có thể cho chỉ định chích ngừa dại nếu nhận thấy nguy cơ. Chích ngừa do chuột cắn chỉ phòng được bệnh uốn ván, bệnh dại, còn bệnh do virút Hanta thì ở Việt Nam hiện tại chưa có thuốc chủng ngừa. Tại TP.HCM, người dân có thể đến Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, Viện Pastuer, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để được khám và tư vấn, chích ngừa.



Ý kiến của bạn