TP. HCM: 47 công nhân nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm

24-10-2019 17:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 47 trường hợp công nhân công ty Theodore Alexander với triệu chứng đau bụng, nôn ói, ,… Theo chẩn đoán sơ bộ các công nhân nói trên bị ngộ độc thức ăn.

Theo đó, sáng ngày 24/10 khoa cấp cứu bệnh  viện quận Thủ Đức tiếp nhận 47 trường hợp công nhân công ty Theodore Alexander trong tình trạng đau bụng, nôn ói, đi cầu,… Ngay lập tức các bác sĩ đã phân loại tình trạng bệnh nhân, có 13/47 công nhân được phân loại mức độ nặng 2 và 3 (đau bụng dữ dội, nôn ói nhiều, tiêu chảy và sinh hiệu bất thường,...) đang được giữ lại phòng cấp cứu để theo dõi và làm các xét nghiệm cần thiết (hiện đang chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm cho ra có dấu hiệu nhiễm trùng sẽ tiến hành thủ tục nhập viện).

Theo tìm hiểu, các công nhân được nhập viện chủ yếu do ăn bữa cơm chiều ngày hôm qua tại công ty (tầm 4 đến 5h chiều). Sáng sớm nay (tầm 4h sáng) xuất hiện các  triệu chứng nêu trên, tuy nhiên đến 8h sáng mới được chuyển vào viện cấp cứu.

Bệnh viện Quận Thủ Đức đã làm báo cáo nhanh gửi UBND Quận và Phòng Y tế Quận Thủ Đức. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra.

Các Bệnh nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện.

Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi tên thông dụng là ngộ độc thức ăn là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống và cũng là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... nó cũng có thể coi là bệnh truyền qua thực phẩm, kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm.

Theo các chuyên gia, khi chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có các biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc. Và khi thấy chính mình hoặc người thân có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như đã kể trên, cần thực hiện các bước sơ cứu dưới đây:

- Gây nôn (nếu người bệnh không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.

Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Khi tiến hành gây nôn cho người bệnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.

- Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi: Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh.

- Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất: Dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên bệnh nhân cần được sự trợ giúp của nhân viên y tế bằng cách gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.


Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn