Top trending YouTube Việt hiện đang thấy không ít những điều phản cảm, có không ít video clip hay MV mang nội dung không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên, lớp khán giả chính theo dõi các kênh YouTube. Từ các web drama bạo lực của giới giang hồ lọt vào top thịnh hành, hay những nội dung nhảm nhí cợt nhả giới tính, nhạc chế phản cảm, MV câu view bằng hình ảnh gợi cảm quá lố, thậm chí cả những video clip dạy những cách lừa đảo có tính vi phạm pháp luật hay tạo một xu hướng thẩm mỹ xuống cấp trong giới trẻ...
Khi ai cũng có thể lọt top trending
Những năm gần đây, khi kênh YouTube thịnh hành, trở thành một kênh truyền tải lan toả và thu hút khán giả thi Youtuber cũng trở thành một “nghề” thời thượng, “hái ra tiền”, thu hút đông đảo người tham gia, không phân biệt nam phụ lão ấu, tầng lớp xã hội, giới tính..., từ các “hotboy”, “hotgirl”, ngôi sao, thần tượng, giới nghệ sĩ có đẳng cấp chuyên nghiệp, người nổi tiếng cho đến những bạn trẻ thích thể hiện, thậm chí cả bà nội trợ, bà bán hàng quà vặt đường phố, lão nông dân... Ban đầu có thể là chơi cho vui, nhưng khi “chơi” thấy có vẻ hút khách thì dần trở thành một “chiêu” kiếm tiền, và để tiền vào nhiều, thì bắt đầu tìm kiếm các kịch bản sao cho độc lạ mới mẻ để hút khách - lượt xem. Nếu như có những người làm việc một cách nghiêm túc, tạo nên những video có tính văn hóa, nghệ thuật, đời sống, mang các thông điệp cuộc sống văn minh, nhân ái, chân- thiện- mỹ như: Nhật Anh Trắng, Hậu Hoàng, Giang Ơi, Vũ Dino, Khoai Lang Thang, Quỳnh Trần JP..., thì có không ít các Youtuber tạo nên những sản phẩm tạp nham, kém thẩm mỹ và còn có chiều hướng gây những cảm thụ xấu cho khán giả, nhất là giới trẻ như những cái tên không hề xa lạ với cộng đồng mạng: Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc..., những “giang hồ mạng” nổi tiếng bằng các video nói chuyện dung tục cùng hành động phản cảm khiến giới trẻ “a dua” theo và coi là “thần tượng”. Hay từ năm 2019 cái tên Bà Tân Vlog đã gây sốt cộng đồng mạng bởi những món ăn siêu to, siêu cay, siêu khổng lồ, nhưng giờ đây cũng dính phải những bê bối như nấu ăn mất vệ sinh, quảng cáo lộ liễu, lừa dối khán giả..., điển hình nhất là việc Hưng Vlog (con trai bà Tân) đăng tải thông tin không phù hợp văn hóa thuần phong mỹ tục Việt như nấu cháo gà để nguyên lông lá...
Những mặt trái của Top trending
Với âm nhạc, Top trending trên YouTube trước đây từng được giới âm nhạc quan tâm khi đã đánh giá, chọn ra được những MV xuất sắc về mặt âm nhạc lẫn nội dung hình ảnh để xứng đáng ở vị trí top hay các thứ hạng cao khác. Đã có nhiều MV đưa nhạc Việt ra thế giới, làm “náo loạn” các bảng xếp hạng như của Sơn Tùng M-TP, hay những MV lấy cảm hứng văn hóa dân tộc trên nền nhạc EDM của Hoàng Thùy Linh, hoặc MV chất lượng cao của Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn...
Tạo hình của Chi Pu trong Cung đàn vỡ đôi.
Nhưng thời gian gần đây, như một hiện tượng có thể là dấu hiệu “báo động” những xu hướng thiếu tích cực trên đường đua top trending, có tới 90% MV Drama của VPop luôn nằm đầu Top trending YouTube chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, nhưng chất lượng của sản phẩm khá kém, ví dụ như Cung đàn vỡ đôi của Chi Pu, Không thể cùng em suốt kiếp của Hòa Minzy, thậm chí gần nhất, đã bị YouTube đã “tuýt còi” MV Em đã thương người ta hơn anh của Noo Phước Thịnh khi có nhiều cảnh nóng khá táo bạo, cảnh bắn súng không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên..., nhưng các MV này vẫn nằm ở Top trending.
Web drama hay nhạc chế cũng là một kênh giải trí được nhiều bạn trẻ yêu thích và liên tục có những sản phẩm đạt vị trí cao trên YouTube, nhưng những video có tính tích cực quá hiếm, mà video mang nội dung bạo lực, giang hồ phát triển một cách tràn lan. Ví dụ như Thiên An Official là một trong những kênh chuyên về web drama và nhạc chế liên tục có video nằm trong Top trending, nhưng những video này luôn có xu hướng bạo lực học đường, xã hội đen, mang tên khá “giang hồ” như: Cớm học đường, Chị đại chuyển trường, Cô giáo tôi là trùm cuối, Thập tứ cô nương, Ông trùm Bùi Viện... Hàng loạt kênh YouTube từng được đông đảo công chúng theo dõi vì sản phẩm hay, thông tin tích cực, nhưng do chạy theo Top trending, đã thay đổi nội dung để “câu view”, vì lợi nhuận mà bất chấp, tạo nên những sản phẩm có tính độc hại như: Thử thách 24 giờ làm chó; Đổ trứng lên người mẹ; Tắm mắm tôm...
Top trending thực chất cũng chỉ thịnh trong một thời gian nhất định, và luôn có những sản phẩm khác liên tiếp “đạp đổ” các kỷ lục. Nếu các Youtuber cứ chạy theo những kỷ lục đó để lọt Top rồi bất chấp mọi chiêu trò mánh khóe hay tạo những xu hướng độc lạ mang tính phản cảm, thiếu thẩm mỹ, trái với những chuẩn mực văn hóa, văn minh và nhân văn, thì xem ra là những kẻ “đầu độc” công chúng khán giả...
Nên, rất nên có những chế tài nghiêm khắc từ các nhà quản lý mạng và luật pháp.