Trong top 6 trường đại học doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm thì 4 trường công lập, gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hai trường tư thục gồm: Trường Đại học Công nghệ TP.HCM và Trường Đại học Văn Lang.
Con số này được trích từ đề án tuyển sinh, ba công khai của các trường đại học công bố trên website trường năm 2022 và 2023, dựa trên doanh thu của các trường một năm trước đó.
Trường Đại học Văn Lang là trường tư thục dẫn đầu doanh thu trong số các trường đại học với 1.758 tỷ đồng/năm. Nguồn doanh thu này đến từ học phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trường cũng công bố mức trung bình chi phí đào tạo 1 sinh viên là 30 triệu đồng/năm.
Thứ hai là Trường Đại học Kinh tế TP.HCM với doanh thu hơn 1.189 tỷ đồng/năm, trung bình mức chi phí cho đào tạo 1 sinh viên tốn khoảng 30 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân với doanh thu hơn 1.062 tỷ đồng/năm, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm khoảng 38.2 triệu đồng. Đây cũng là trường tăng trưởng mạnh nhất trong top với hơn 218 tỷ đồng so với năm trước đó.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tổng nguồn thu hợp pháp là hơn 1.051 tỷ đồng trong năm 2022, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm (chương trình tiêu chuẩn) khoảng 18.69 triệu đồng.
Đại học Bách khoa Hà Nội, theo báo cáo Công khai tài chính năm học 2021-2022, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2021 là trên 1.050 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách (122.8 tỷ đồng); học phí (776.6 tỷ đồng); nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (12.5 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (138.7 tỷ đồng). Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của Đại học Bách khoa Hà Nội là 25 triệu đồng.
Theo công bố của Bộ GD&ĐT năm 2022, cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Hiện có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên.
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết 91 trường chưa đủ điều kiện tự chủ với các lý do: Chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học chiếm 18,53%; Chưa thành lập hội đồng trường chiếm 7,5%; Còn lại do chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác.
Bộ GD&ĐT đánh giá tổng thu của các trường đa phần tăng lên trong giai đoạn 2018-2021, tổng thu ngoài Ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.
Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.