Tổng tuyển cử Anh Brexit khai thông nhưng thách thức với nước Anh vẫn chất chồng

16-12-2019 06:23 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chiến thắng thuyết phục của đảng Bảo thủ Anh trong cuộc tổng tuyển cử hôm thứ 5 tiếp tục là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế tuần qua.

Đó là bởi kết quả này đã chấm dứt dứt điểm tình trạng bế tắc của tiến trình Brexit suốt 3 năm qua. Nhưng vui mừng chưa xong, thì nhiều lo ngại lại đang chờ đợi nước Anh khi trước họ là nhiều thách thức đang chờ đợi.

Trước hết con số 365 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện đánh dấu một thắng lợi giòn giã của đảng Bảo thủ khi họ vượt xa số ghế tối thiểu là 326. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là họ có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với các chính đảng khác. Chiến thắng này cũng đồng nghĩa với việc tiến trình Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - sẽ diễn ra đúng thời hạn vào ngày 31/1/2020 sắp tới sau nhiều năm bế tắc chính trị.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Anh.

Với chiến thắng áp đảo này, đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục nắm giữ vai trò dẫn dắt nước Anh trong 5 năm tới hoặc có thể còn lâu hơn nữa. Hoặc cũng có thể nói rằng cuối cùng thì tiến trình Brexit đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Với lợi thế số ghế nhiều hơn quá bán rất lớn tại Quốc hội, Thủ tướng Johnson sẽ dễ dàng thông qua các kế hoạch của Chính phủ tại Hạ viện nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thông qua Brexit.

Đã không ít nhận định cho rằng đảng Bảo thủ giành thắng lợi đa số là nhờ khẩu hiệu “Hãy để Brexit được thực thi”. Điều này có phần đúng bởi họ đã đánh trúng vào tâm lý của người dân Anh “đã quá chán ngán” vì sự bất lực và bế tắc của tiến trình Brexit. Thắng lợi này ít nhiều cũng củng cố uy tín và vị thế của Thủ tướng Anh Boris Johnson với những phẩm chất cần thiết của một nhà lãnh đạo - “quyết liệt, nói và làm”, điều mà người dân Anh mong đợi sau nhiều năm các nhà lãnh đạo tiền nhiệm không thể chèo lái nước Anh vượt qua khủng hoảng chính trị.

Với thắng lợi của đảng Bảo thủ, các diễn biến tiếp theo về Brexit được cho sẽ diễn ra đơn giản hơn. Khả năng Brexit bị hủy bỏ đã chấm dứt và chắc chắn nước Anh sẽ rời EU đúng hạn vào ngày 31/1/2020 tới, thậm chí là có thể sớm hơn nếu đảng Bảo thủ đề xuất.

Đối với EU, kết quả này là một sự “thở phào nhẹ nhõm”, bởi họ đã quá chán ngán với mớ bòng bong hỗn loạn từ nước Anh. Do đó, việc đảng Bảo thủ thắng lớn tại cuộc bầu cử hôm thứ 5 được cho là một kết quả mà các nhà lãnh đạo EU mong đợi. Vấn đề không phải là EU ủng hộ đảng Bảo thủ hay Công đảng, mà họ mừng vì thấy con đường Brexit phía trước trở nên rõ ràng hơn và tình trạng bất định lâu nay sẽ chấm dứt.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là, thắng lợi đã có vậy thì con đường phía trước nước Anh có sáng sủa hơn không?

Câu trả lời vẫn còn là một ẩn số. Bởi rời khỏi EU, mối quan hệ giữa nước Anh và EU nay sẽ được định hình trên những yếu tố nào? Liệu nước Anh có thể đàm phán một cách công bằng các điều khoản thương mại có lợi cho mình hay không? Liệu EU có dành cho nước Anh tiếp cận thị trường EU nếu hai bên tiếp tục không thể tìm tiếng nói chung như trước đó? Và nếu Anh và EU không thể đạt được thỏa thuận tự do thương mại với EU, thì điều gì sẽ xảy ra? Đây là những bài toán khó buộc cả Anh và EU phải cân nhắc. Do đó, việc tìm tiếng nói chung giữa hai bên trong những ngày tới sẽ không dễ dàng.

Còn một bài toán nữa đặt ra đối với nước Anh hiện nay. Đó là nguy cơ một nước Anh có thể bị phân rẽ khi liên tục có những tiếng nói đòi ly khai khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh. Việc đảng Bảo thủ giành chiến thắng đại đa số tại Hạ viện sẽ khiến đảng Dân tộc Scotland (SNP) - vốn có quan điểm chống Brexit gia tăng sức ép về cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập lần hai. Mặt khác, thỏa thuận rút khỏi EU của Thủ tướng Johnson sẽ kích động những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland đòi tiến hành trưng cầu dân ý về thống nhất trên đảo Ireland. Rõ ràng, chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm thứ 5 lại đặt ra thêm nhiều nguy cơ mới buộc nhà lãnh đạo Anh phải giải quyết.

Dẫu có nhiều khó khăn phía trước, nhưng không thể phủ nhận rằng với kết quả bầu cử này, tình trạng tê liệt chính trị của nước Anh trong 3 năm qua đã chấm dứt. Nước Anh đã bước sang một trang mới. Bất luận con đường Brexit dẫn đến một tương lai khó đoán định, việc tiến trình Brexit thoát khỏi mê cung, vẫn là một tin vui cho tất cả.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói cuộc tổng tuyển cử năm 2019 đã thực sự đặt dấu chấm hết cho việc nước Anh - là thành viên của EU và mở ra một chương mới cho tương lai. Thách thức to lớn của nhà lãnh đạo Anh lúc này là làm sao xây dựng được một nước Anh mới, một nước Anh mạnh mẽ và có vị thế trên bản đồ địa chính trị thế giới. Đó là một con đường còn nhiều chông gai nhưng nước Anh bắt buộc phải đi, phải tiến tới chứ không thể lùi bước.


N.Minh
Ý kiến của bạn