Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 25/11, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người vừa được bầu Tổng Thư ký Quốc hội trao đổi với PV về chức danh mới này.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Chức danh Tổng Thư Ký Quốc hội sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016 và đến tháng 5/2016 Quốc hội sẽ bầu lại Tổng Thư ký.
Sau khi được bầu, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ đảm đương nhiệm vụ gì thưa ông?
Việc bầu Tổng Thư ký Quốc hội để chuẩn bị cho Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực vào đầu năm 2016. Theo quy định trong luật này, Quốc hội phải bầu Tổng Thư ký để thực hiện những nhiệm vụ theo quy định. Theo Nghị quyết quy định, chức danh Tổng Thư ký sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016.
Cá nhân ông vừa làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giờ lại kiêm làm Tổng Thư ký. Điều này có gây áp lực với cá nhân ông khi một vai hai gánh?
Với vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng đoàn Thư ký hiện nay tôi đã làm những việc của Tổng Thư ký rồi. Bây giờ chỉ là tách bạch hai chức danh đó ra mà thôi.
Nhiều nước đã tách bạch hai chức danh, tại sao đến thời điểm này Việt Nam mới làm?
Chức danh Tổng Thư ký là thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội. Ngoài ra, việc này còn thực hiện theo yêu cầu hòa nhập về kinh tế - xã hội và hòa nhập với Nghị viện các nước. Hiện cả thế giới chỉ còn Việt Nam và Lào có chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các nước đều là chức danh Tổng Thư ký. Tuy nhiên, nhiệm vụ Tổng Thư ký mỗi nước khác nhau, nhưng cơ bản là giúp việc cho Quốc hội.
Nếu các nước không có thì tới đây chúng ta có bỏ chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và chỉ duy trì mỗi Tổng Thư ký?
Luật đã quy định Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trong Quốc hội có một bộ phận liên quan giúp việc Tổng Thư ký và vẫn tồn tại Văn phòng Quốc hội. Tổng Thư ký đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông này phải lo hai vai. Hiện nay vẫn đang làm như thế, giờ chỉ tách ra hai chức danh khác nhau thôi.
Ông phải làm hai vai một lúc như vậy thì chính sách đãi ngộ có thay đổi không?
Thêm Tổng Thư ký không có gì khác cả, vẫn như vậy thôi.
Khi có chức danh Tổng Thư ký thì có xảy ra bộ máy hành chính cồng kềnh không thưa ông?
Bộ máy không thay đổi gì cả mà vẫn sử dụng bộ máy hiện tại. Giúp việc cho Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là cả Văn phòng Quốc hội chứ không phải là đơn vị độc lập. Thực tế, từ trước đến nay vẫn như vậy, còn danh chức Tổng Thư ký như tôi nói là để hòa nhập với thế giới.
Tới đây Quốc hội có bầu thêm Phó Tổng Thư ký không thưa ông?
Việc này đang chờ ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi cũng đang đề xuất có một Phó Tổng Thư ký giúp việc cho Tổng Thư ký. Theo quy định sẽ không tăng biên chế, chức danh chỉ là định hình và sẽ sử dụng ngay chính bộ máy đang có.
Cảm ơn ông.