Ông Antonio Guterres, 67 tuổi, thuộc đảng Xã hội trung tả, từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002 và cựu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho đến cuối năm 2015. Ông Antonio Guterres được đánh giá là một nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm giải quyết xung đột, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng tỵ nạn tại Trung Đông và khu vực Balkan những năm 90 của thế kỷ trước.
Sau 6 vòng bỏ phiếu, với 13 phiếu thuận và 2 phiếu trắng, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã quyết định lựa chọn ông Antonio Guterrestrở thành Tổng thư ký tiếp theo của Liên Hợp Quốc thay cho ông Ban Ki Moon sắp mãn nhiệm. Tại những lần bỏ phiếu kín trước, ông Antonio Guterresluôn nhận được số phiếu tín nhiệm cao, đạt 11, 12/15 phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Ỏ vòng bỏ phiếu thứ 6, cái tên Antonio Guterres vẫn là sự lựa chọn tối ưu”, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin tiết lộ.
Ngày hôm qua (6/10), HĐBA cũng đã bỏ phiếu chính thức lần cuối cùng và sau đó sẽ trình đề cử ông Antonio Guterres trình lên Đại hội đồng LHQ để thông qua. Nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres sẽ thay thế Tổng thư ký Ban Ki Moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần 2 vào ngày 31 tháng 12 sắp tới.
“Cuối cùng, chúng ta cũng đã lựa chọn được một ứng cử viên giàu kinh nghiệm”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nói.
Chân dung cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, người gần như chắc chắn trở thành TTK LHQ mới
Trước đó, trong các vòng bỏ phiếu trước, ông Antonio Guterres luôn về vị trí thứ nhất. Ở vị trí thứ hai là ông Miroslav Lajcak, Ngoại trưởng Slovakia. Kế tiếp là ông Vuk Jeremic, cựu Ngoại trưởng Serbia. Các ứng cử viên nữ sáng giá đều không đạt được kết quả tích cực trong lần bỏ phiếu này. Bà Irina Bokova, người Bulgari, TGĐ UNESCO, chỉ về ở vị trí thứ 5 với 7 phiếu tín nhiệm; còn Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), nguyên Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark chỉ về vị trí thứ 8.
Đánh giá về kinh nghiệm điều hành của ông, giới phân tích cho rằng không chỉ là một chính trị gia giàu kinh nghiệm mà ông Guterres còn là một trong những nhà ngoại giao giỏi ngôn ngữ nhất khi có thể nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha trong 2 tiếng đồng hồ liên tục không cần nghỉ
Theo giới phân tích, việc HĐBA LHQ bỏ phiếu tín nhiệm được cho là để các ứng viên thấy được mức độ tín nhiệm của mình, và có thể tự rút lui nếu như cảm thấy không nhận được nhiều sự ủng hộ. Tất cả các vòng bỏ phiếu đều là bỏ phiếu kín.
Thách thức với tân TTK LHQ
Với việc được HĐBA LHQphê chuẩn lần cuối ngày hôm qua (6/10), gần như chắc chắn ông Antonio Guterres sẽ trở thành TTK mới của LHQ. Tuy nhiên, nhiệm vụ của TTK LHQ mới chắc chắn sẽ không dễ dàng.Một thách thức đầu tiên hiện nay là việc cải tổ LHQ. Đã có quá nhiều quan điểm cho rằng bộ máy LHQ đang vận hành một cách cồng kềnh, già cỗi và kém hiệu quả. Ngoài ra, việc xây dựng và vận hành mô hình Một LHQ cũng đang đặt ra nhiều thách thức lớn khi nguồn ngân sách LHQ eo hẹp và phụ thuộc vào các quốc gia-đồng nghĩa với việc LHQ sẽ phải đối mặt với “lực cản về chính trị” nếu bị ngân sách tài trợ chi phối. Lịch sử cho thấy quyết định của cơ quan siêu quyền lực này thường bị chính trị hóa, dựa trên những cân nhắc về địa chính trị, tài chính và các mối quan hệ song phương.
Một thách thức nữa đặt ra là bài toán củng cố tình đoàn kết giữa các quốc gia. Các cuộc xung đột triền miên, mâu thuẫn giữa các cực chính trị và sự phân rẽ về quan điểm vẫn diễn ra trên toàn cầu đòi hỏi “người cầm trịch”-TTK LHQ phải giải quyết.
Vì thế, việc ông Antonio Guterres trở thành TTK LHQ mới được cho là một sự lựa chọn cần thiết trong bối cảnh LHQ đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức hiện nay. Song, nó là một sự lựa chọn trách nhiệm bằng lá phiếu với kỳ vọng một LHQ mới sẽ mang lại nhiều lợi ích quốc gia hơn cho người dân và các chỉnh phủ./.