Tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất vắc xin ngày 22/3, Tổng thống Nga đã bác bỏ các chỉ trích của phương Tây về vắc xin Sputnik V của Nga và cho biết các nước phương Tây đang hành động để bảo vệ các công ty dược phẩm của mình. Vị Tổng thống 68 tuổi cho biết mình sẽ tiêm vắc xin vào ngày 23/3. Tại cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm 22/3, Tổng thống Putin nói: “Tất nhiên việc tiêm vắc xin là quyết định tự nguyện của mỗi người. Đó là quyết định cá nhân. Tôi dự định tiêm vắc xin vào ngày mai”.
Mặc dù Moscow khẳng định vắc xin do Nga sản xuất là an toàn, hiệu quả, nhưng loại vắc xin này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Người đứng đầu nước Nga cho rằng, các nước phương Tây “đang bảo vệ lợi ích cho ai – công ty dược phẩm hay lợi ích cho người dân của mình?”.
Tổng thống Nga V.Putin tại cuộc họp trực tuyến về vắc xin
Vắc xin Sputnik V do Nga sản xuất là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vắc xin Sputnik V khi vắc xin này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet , vắc xin Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virút SARS CoV-2.
Tổng thống Putin khẳng định: “Bất chấp việc các nước phương Tây cố ý làm mất uy tín đối với vắc-xin của chúng tôi, nhưng ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm tới vắc xin này”. Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF), đơn vị hỗ trợ phát triển của Sputnik V, cáo buộc châu Âu đang “có thành kiến" vì đây là vắc xin của người Nga. RDIF cho biết trên Twitter rằng Sputnik V đã được chấp thuận sử dụng ở 55 quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Mikhail Murashko cho biết trong cuộc họp rằng các chuyên gia từ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu sẽ đến Nga vào ngày 10/4 để xem xét các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên vắc-xin này.
Tranh luận về vắc-xin diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây gia tăng, với việc châu Âu và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga với các cáo buộc liên quan tới nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny.
Tại cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ông Putin đã cáo buộc châu Âu có "các chính sách mang tính đối đầu, viển vông" trong quan hệ với Moscow.
Điện Kremlin thông tin, trước khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau cho hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 25-26/3 tới, Tổng thống Putin cho biết, Moscow sẽ nối lại quan hệ bình thường nếu châu Âu sẵn sàng.
Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng của Nga đang diễn ra chậm hơn so với nhiều nước. Chỉ có khoảng 4 triệu trong số 144 triệu người của đất nước này được tiêm 2 liều vắc-xin và 2 triệu người khác được tiêm mũi đầu tiên. Ngoài Sputnik V, Nga còn thông qua việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine COVID-19 khác được điều chế và sản xuất trong nước mang tên EpiVacCorona và CoviVac.
Nga là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, với hơn 4,4 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 95.000 trường hợp tử vong. Sau một đợt phong tỏa nghiêm ngặt trước đây, các nhà chức trách Nga đã không áp dụng lệnh đóng cửa hoàn toàn bất chấp số ca bệnh tăng vọt vào mùa đông vừa qua, và thay vào đó, họ đang dần dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch.
Tổng thống Hàn Quốc tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19
Thông báo của văn phòng Nhà Xanh cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã được tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca vào ngày 23/3 nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Vương quốc Anh của ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 vào tháng 6 tới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, 68 tuổi được tiêm vắc xin AstraZeneca ngày 23/3
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, 68 tuổi, cùng với vợ và 9 quan chức cấp cao Hàn Quốc tháp tùng ông trong chuyến công tác tới Anh sắp tới, đã đến một phòng khám cộng đồng gần văn phòng Tổng thống ở trung tâm thành phố Seoul để tiêm vắc xin.
Trước đó, nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Hàn Quốc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G-7. Ngoài Hàn Quốc, Thủ tướng Anh còn mời Ấn Độ và Australia tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách khách mời.
Từ cuối tháng 2, cơ quan y tế của Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những đối tượng có nguy cơ cao trong bối cảnh nước này đối mặt với đợt bùng phát thứ 3 của dịch bệnh COVID-19. Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Mới đây Chính phủ Hàn Quốc cho phép những người đang thực hiện các nhiệm vụ như những người làm công tác ngoại giao hoặc quân đội được tiêm chủng bắt đầu vào tháng này.