
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, DC ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 12/5, một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ đến Istanbul và sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để khôi phục đàm phán hòa bình, ông Trump cho biết các cuộc thảo luận tại đây có thể mang lại tiến triển tích cực. Ông cũng không loại trừ khả năng sẽ có mặt tại Istanbul vào ngày 15/5 khi ông đang có chuyến công du đến ba quốc gia Trung Đông - bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Qatar.
“Tôi có nhiều cuộc họp, nhưng tôi đang cân nhắc nghiêm túc việc bay đến đó. Nếu tôi cảm thấy có khả năng đạt được điều gì đó, tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội này”, hãng tin AFP dẫn lời ông Trump trước khi khởi hành chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1. Ông nhấn mạnh: “Đừng đánh giá thấp cuộc gặp ngày 15/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ.”
Theo đài RT (Nga), Tổng thống Ukraine đã hoan nghênh ý tưởng của Tổng thống Trump về việc đến Thổ Nhĩ Kỳ và tham gia đàm phán. Ông Zelensky mô tả đây là “ý tưởng đúng đắn” và nhắc lại tuyên bố rằng ông đã sẵn sàng gặp trực tiếp ông Putin.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu qua video vào tối cùng ngày, Tổng thống Zelensky cho biết Moskva vẫn chưa đưa ra phản hồi về đề xuất gặp trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ. “Moskva vẫn chưa lên tiếng trước lời mời gặp mặt”, ông Zelensky nói.
Các cuộc đàm phán ngoại giao về vấn đề Ukraine đang có dấu hiệu được nối lại. Trước đó, Tổng thống Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận về khả năng tổ chức đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, mà theo ông Zelensky, “có thể là chìa khóa chấm dứt chiến tranh”. Ông Erdogan cũng gọi đây là “cơ hội không nên bỏ lỡ”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan về cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và ông Zelensky vào ngày 15/5. Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga không xác nhận liệu ông Putin có chấp nhận đề xuất này hay không.
Cũng trong ngày 12/5, Chính phủ Đức tuyên bố rằng châu Âu sẽ bắt đầu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới, nếu Nga không chấp nhận tuân thủ lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày.

Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo bọc thép 2000 trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN
“Thời gian không còn nhiều”, người phát ngôn Chính phủ Đức cảnh báo tại một cuộc họp báo ở Berlin.
Ngược lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích rằng đề xuất ngừng bắn do châu Âu đưa ra nhằm “tạo điều kiện cho Kiev củng cố lực lượng quân sự và tiếp tục đối đầu với Nga”.
Trước đó hai ngày, vào 10/5, lãnh đạo bốn cường quốc châu Âu đã đến Kiev, kêu gọi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày, bắt đầu từ 15/5. Thay vì đồng ý, Tổng thống Putin đã đề xuất các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul, mà ông cho là có thể dẫn tới một lệnh ngừng bắn.
Hai nhà lãnh đạo Putin và Zelensky đã không gặp nhau kể từ tháng 12/2019 – trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phản hồi trước đề xuất ngừng bắn, Nga tuyên bố sẵn sàng hướng đến kết thúc xung đột, song chỉ trích rằng các cường quốc châu Âu đang sử dụng ngôn từ mang tính đối đầu.
Cả Nga và Ukraine đều đang tìm cách thể hiện thiện chí trong việc hướng đến hòa bình, đồng thời đổ lỗi cho nhau là bên cản trở nỗ lực hòa giải của ông Trump.
Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, tính đến 22 giờ ngày 10/5, đã có 133 vụ đụng độ với lực lượng Nga kể từ khi lệnh ngừng bắn được đề xuất bắt đầu có hiệu lực vào nửa đêm.
Tổng thống Zelensky dẫn lời Tư lệnh cấp cao Ukraine – Tướng Oleksandr Syrskyi – cho biết những trận giao tranh khốc liệt nhất hiện đang diễn ra tại vùng Donetsk ở mặt trận phía đông, cũng như tại khu vực Kursk ở phía tây nước Nga, nơi từng chứng kiến cuộc tấn công xuyên biên giới của lực lượng Ukraine cách đây 9 tháng.
Ông Viktor Trehubov, phát ngôn viên quân đội Ukraine ở mặt trận phía đông, khẳng định giao tranh vẫn diễn ra với cường độ tương tự như khi chưa có lệnh ngừng bắn.