Theo kênh truyền hình Nga RBK, Tổng thống Nga Putin đã thông qua thỏa thuận bán từ 2 tới 4 hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc. Thỏa thuận trên đã được đàm phán từ lâu. Nếu đúng là nó đã được chấp thuận thì Trung Quốc sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua được hệ thống phòng thủ tiên tiến này. Trung Quốc hiện đang triển khai một số hệ thống phòng thủ S-300 từ thời Liên Xô.
Trước đó, một số chuyên gia quốc phòng cho rằng vì một số lý do, Nga sẽ không bán S-400 cho Trung Quốc. Họ cho rằng Nga chỉ bán khi Matxcơva có thể đủ khả năng đáp ứng đủ nhu cầu quân sự của chính mình, có thể tới cuối thập kỉ này. Quan trọng hơn, giới quân sự Nga có mối lo ngại rằng Trung Quốc sẽ mua một vài hệ thống để ăn cắp công nghệ và kĩ thuật, sau đó sẽ tự xây dựng các phiên bản 'nhái" ở trong nước. Đây là chuyện thường xuyên xảy ra khi Nga bán các hệ thống quân sự cho Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc đã tìm cách khắc phục vấn đề trên bằng cách ký kết các thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPP) với nhiều điều khoản khắt khe hơn. Năm 2008, hai nước đã kí một thỏa thuận IPP, nhưng các quan chức Nga sau đó cho rằng thỏa thuận này vẫn chưa đủ. Nga và Trung Quốc cũng đã kí một thỏa thuận IPP vào năm 2012. Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận này không được công bố.
Tạp chí quốc phòng Jane’s của Anh cho hay Nga và Trung Quốc hy vọng sẽ khắc phục được vấn đề ‘mượn’ kỹ thuật của Trung Quốc bằng những thỏa thuận IPP khắt khe hơn cũng như doanh số lớn hơn. Nếu Trung Quốc mua S-400 với số lượng lớn hơn thì ngành công nghiệp vũ khí của Nga sẽ ít bị tổn hại hơn nếu Bắc Kinh dùng công nghệ và kĩ thuật của Nga để tự sản xuất trong nước.
S-400 có khả năng tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự cho rằng hệ thống này sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát tốt hơn không phận của Đài Loan. York Chen, một cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan cho rằng: “Khi phối hợp S-400 với các chiến đấu cơ trên đất liền và trên biển, Trung Quốc sẽ tự tin hơn trong việc duy trì sự thống trị không phận của Đài Loan, do đó có khả năng chống lại bất kỳ đợt phản công nào của Không quân Đài Loan và ngăn chặn được sự can thiệp của Mỹ”.
Không chỉ có Đài Loan, Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng khi Trung Quốc mua S-400 vì Trung Quốc có thể sẽ sử dụng hệ thống này để giám sát vùng trời trên quần đảo Điếu Ngư / Senkaku. Tác động của hệ thống S-400 đối với khả năng phòng thủ của Nhật Bản sẽ được giảm bớt phần nào khi Nhật Bản mua chiến đấu cơ F-35, có khả năng tàng hình để hoạt động trong môi trường được giám sát bằng các hệ thống phòng không tiên tiến.
Ấn Độ cũng được cho là đối tượng bị tác động bởi S-400 vì hệ thống này có thể chống lại tên lửa đạn đạo.
Theo info.net