Hà Nội

Tổng thống Pháp thăm Mỹ: Hóa giải bất đồng, thắt chặt quan hệ đồng minh

24-04-2018 08:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay (25/04) kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ kéo dài 3 ngày. Diễn ra trong bối cảnh Pháp vừa sát cánh cùng đồng minh Mỹ tiến hành tấn công quân sự Syria cách đây hơn 1 tuần, chuyến thăm Mỹ của ông Macron khiến dư luận đặc biệt chú ý bởi nó mang tới nhiều thông điệp cho các đồng minh.

Tổng thống Pháp Macron mang tặng nhà lãnh đạo Mỹ một cây Sồi non-biểu tượng cho mối quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ. Giới phân tích cho rằng đây là một hành động có dụng ý của Tổng thống Pháp Macron vì cây sồi non này được lấy từ khu rừng Belleau nằm phía Bắc nước Pháp, nơi vào tháng 6/1918, tức là cách đây một thế kỷ, đã diễn ra trận đánh đầu tiên của quân đội Mỹ chống lại quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Đây là một trận đánh ác liệt khiến gần 2 nghìn lính Mỹ thương vong và từ sau Chiến tranh thế giới I, khu rừng này được coi là biểu tượng cho sự tương trợ và đoàn kết của nước Mỹ với nước Pháp đồng minh.

Do đó, việc ông Emmanuel Macron chọn một cây sồi non trong khu rừng Belleau, vì thế, mang tới một thông điệp lớn, đó là khẳng định sự ghi nhớ của nước Pháp đối với công lao của quân đội Mỹ trong Thế chiến I, đồng thời muốn vun đắp cho quan hệ đồng minh lâu đời giữa Pháp và Mỹ, vốn đã kéo dài gần 250 năm.

Tổng thống Pháp và Mỹ cùng trồng cây Sồi non-biểu tượng cho quan hệ đồng minh.


Sau một loạt chuyến thăm Trung Quốc và Đức thời gian gần đây, việc Tổng thống Pháp thăm Mỹ cho thấy một sự thay đổi trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Pháp. Ông Macron đều nhắm tới các đối tác lớn và các cường quốc một mặt thúc đẩy quan hệ hợp tác, một mặt khẳng định vị thế của nước Pháp như một cường quốc đối xứng với Nga, Mỹ, Trung Quốc hay Đức…

Trong chuyến thăm 3 ngày tại Washington, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương, tập trung thảo luận những vấn đề mà hai bên còn bất đồng. Thỏa thuận hạt nhân Iran dự kiến sẽ được xem xét lại trong tháng 5 tới, những động thái gần đây của Mỹ về việc áp thuế cao đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, cũng như thỏa thuận khí hậu Paris đều nằm trong chương trình nghị sự.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu xem xét lại những thỏa thuận trong quá khứ, đồng thời thúc đẩy chính sách bảo hộ “nước Mỹ trước tiên”. Ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Mỹ còn đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà châu Âu đã dành nhiều tâm huyết để đạt được ngày 12/5 tới. Không những thế, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu cũng liên tục nóng lên thời gian qua, khi Tổng thống Trump tăng thuế thép và nhôm nhằm vào Trung Quốc khiến các đồng minh EU giận dữ. Mặc dù sau đó, ông Trump đã tạm thời miễn trừ EU và một số nước ra khỏi danh sách áp thuế nhôm và thép, nhưng việc hợp tác lâu dài và cân bằng trong vấn đề kinh tế - thương mại vẫn là bài toán mà Mỹ và châu Âu sẽ phải đau đầu.

Tuy nhiên, việc Pháp sát cánh cùng đồng minh Mỹ tấn công quân sự Syria hôm 14/4 cho thấy bất đồng giữa hai bên cơ bản đã được hàn gắn. Các nhà quan sát cho rằng, mục đích chuyến thăm Mỹ lần này của ông Macron là cải thiện các mối quan hệ song phương. Do đó cả Pháp và Mỹ sẽ “nhún nhường” nhau. Bình luận về quan hệ Pháp-Mỹ, với tựa đề “Tổng thống Macron-Tổng thống Trump: Một tình bạn thân thuộc”, Le Monde mô tả mối quan hệ Pháp-Mỹ thời gian gần đây như “ánh sáng xua tan màn đêm đã buông xuống điện Elysée”.

Tổng thống Pháp và Tổng thống Mỹ trao đổi thân mật.


Một giai đoạn mới?

Tại châu Âu, mặc dù đã có 250 năm là đồng minh của Mỹ, nhưng xét về nhiều phương diện Anh lại là đồng minh của Mỹ trên thực tế. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, thực tế này đã thay đổi mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump với các lãnh đạo Anh, mà cụ thể là nữ Thủ tướng Theresa May, không suôn sẻ. Dư luận Anh cũng có thái độ khá tiêu cực với ông Trump. Thậm chí vài tháng trước, ông Trump còn huỷ chuyến thăm chính thức đến Anh. Vì thế ở thời điểm này, quan hệ đồng minh cực kỳ thân thiết giữa Mỹ và Anh đang có một vài trục trặc. Trong khi đó, nhà lãnh đạo trẻ của Pháp đã xác định và tuyên bố tại nước Pháp rằng, dù có thích hay không thì ông Donald Trump vẫn là Tổng thống của Mỹ, cường quốc số 1 thế giới và đồng minh quan trọng hàng đầu của nước Pháp suốt hơn 2 thế kỷ qua. Vì thế, ông Macron đã chủ động thiết lập và đề cao cá nhân ông Trump, thể hiện rõ nhất là lần mời ông Trump dự lễ duyệt binh 14/7/2017 rồi ăn tối trên tháp Eiffel và sát cánh cùng ông Trump tấn công quân sự Syria trong chiến dịch vừa qua. Những yếu tố này cho thấy dù còn bất đồng, nhưng Pháp đã trở thành đối tác duy nhất mà ông Trump tin cậy ở châu Âu.

Gần 1 năm Tổng thống Macron lên nắm quyền, có thể thấy với các chuyến thăm quan trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cho thấy một chiến lược ngoại giao xuất sắc. Tổng thống Macron đang từng bước giúp nước Pháp lấy lại được vai trò của mình trong nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng, như giải quyết vấn đề Brexit và cải tổ châu Âu, chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố ở Bắc Phi và nam Sahara. Ngoài ra, vai trò của Pháp trong việc giải quyết một số điểm nóng khác, như xung đột Israel-Palestine, khủng hoảng chính trị Lybia, hay mới nhất là cuộc chiến ở Syria. Giới phân tích nhận định, chính sách ngoại giao chủ động mà nhà lãnh đạo Pháp đang gây dựng đang xoá đi hình ảnh một nước Pháp cũ kỹ và thiếu năng động trong các đời Tổng thống trước. Rõ ràng với chuyến thăm Mỹ lần này, ông Macron đã “ghi điểm” đối với dư luận Pháp và châu Âu.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn