Tổng thống Nga V.Putin tiếp tục thắng thế với bài diễn văn bất hủ

20-03-2014 07:40 | Quốc tế

SKĐS - Ngày 18/3, Tổng thống V.Putin đã có bài phát biểu với những lập luận sắc bén, nhân văn, đầy thuyết phục minh chứng cho sự trở về Nga của Crimea là tất yếu, thuận tình đạt lý: ”Một cuộc trưng cầu dân ý tuân thủ đầy đủ mọi thủ tục dân chủ và chuẩn mực quốc tế vừa được tổ chức ở Crimea ngày 16/3

Ngày 18/3, Tổng thống V.Putin đã có bài phát biểu với những lập luận sắc bén, nhân văn, đầy thuyết phục minh chứng cho sự trở về Nga của Crimea là tất yếu, thuận tình đạt lý: ”Một cuộc trưng cầu dân ý tuân thủ đầy đủ mọi thủ tục dân chủ và chuẩn mực quốc tế vừa được tổ chức ở Crimea ngày 16/3. Hơn 82% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Và hơn 96% trong số họ đã ủng hộ việc hợp nhất với nước Nga. Những con số này tự nó đã nói lên tất cả.”

Hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga đã được Tổng thống Putin và các lãnh đạo Crimea ký kết tại Mátxcơva.

Hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga đã được Tổng thống Putin và các lãnh đạo Crimea ký kết tại Mátxcơva.

Các chuyên gia thế giới, kể cả các nhà báo phương Tây đánh giá đây là bài phát biểu hùng biện tuyệt vời nhất của V.Putin. Với những dẫn chứng về văn hóa, Putin cho thấy Crimea vốn thực sự thuộc về Nga: “Crimea là nơi giao thoa độc đáo giữa truyền thống và văn hóa của những con người khác nhau. Điều này làm nó giống nước Nga, nơi không một tộc người đơn lẻ nào bị quên lãng trong những thế kỷ qua. Người Nga và người Ukraine, người Tatar ở Crimea và người của các dân tộc khác đã cùng sống bên nhau ở Crimea, cùng gìn giữ diện mạo, truyền thống, ngôn ngữ và tín ngưỡng của dân tộc mình. Thật là ngẫu nhiên khi dân số tại bán đảo Crimea hiện nay là 2,2 triệu người, trong đó, gần 1,5 triệu là người Nga, 350.000 là người Ukraine, song phần lớn vẫn coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Có khoảng 290.000 - 300.000 là người Tatar tại Crimea, những người cũng nghiêng về phía Nga. Đúng, đã có lúc người Tatar tại Crimea cũng như một vài dân tộc khác ở Liên Xô bị đối xử không công bằng. Chỉ có một điều tôi có thể nói ở đây: hàng triệu người thuộc nhiều dân tộc khác nhau cũng đã phải chịu đựng và họ chủ yếu là người Nga. Trong tâm trí và trái tim của nhân dân, Crimea vẫn luôn là một phần không thể tách rời của nước Nga. Niềm tin vững chắc ấy được xây dựng dựa trên sự thật và công lý, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua thời gian, trong mọi trường hợp, bất chấp tất cả những thay đổi mạnh mẽ của đất nước chúng ta suốt thế kỷ 20”.

Tiếp đó là những lập luận hùng hồn đanh thép về việc Crimea bị cưỡng bức nhập vào Ukraine: “Vào năm 1954, quyết định chuyển giao vùng lãnh thổ Crimea cho Ukraine đã được đưa ra, rồi cả Sevastopol, bất chấp thực tế rằng thành phố này trực thuộc liên bang. Đây là sáng kiến cá nhân của người lãnh đạo đảng, ông Nikita Khrushchev. Lý do đằng sau quyết định của ông... xin để dành cho các sử gia làm rõ. Vấn đề bây giờ là quyết định này đã vi phạm trắng trợn các quy tắc về hiến pháp được đặt ra ngay từ thời đó. Quyết định này đã được lén lút đưa ra. Đương nhiên, không ai thèm hỏi tới người dân Crimea và Sevastopol. Họ phải đối diện với thực tế. Dân chúng hẳn nhiên đã thắc mắc tại sao Crimea lại bất ngờ trở thành một phần của Ukraine. Nhưng xét toàn diện - và chúng ta cũng phải đề cập tới điều này một cách rõ ràng, tất cả chúng ta đều biết rằng quyết định này chỉ là hình thức, bởi lãnh thổ đã được chuyển giao bên trong biên giới của một nhà nước duy nhất. Khi ấy, thật không thể tưởng tượng rằng Ukraine và Nga lại tách ra và trở thành hai quốc gia riêng biệt. Thế mà điều đó đã xảy ra... Giờ đây, sau nhiều năm, tôi đã nghe thấy người dân Crimea nói rằng thời điểm năm 1991, họ bị trao đi như một bao tải khoai tây. Trong ngần ấy năm, người dân và nhiều nhân vật của công chúng đã lật lại vấn đề này, họ nói rằng về mặt lịch sử, Crimea là lãnh thổ của Nga, Sevastopol là một thành phố của Nga. Trong khi đó, quan hệ của chúng ta với Ukraine, với những người dân Ukraine anh em vẫn luôn và sẽ mãi đóng vai trò quan trọng hàng đầu”.

Bài diễn văn là một bước đi vững chãi, tự tin tiếp theo của Tổng thống V.Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nó khiến những phê phán, chỉ trích của phương Tây với Mátxcơva trở nên đuối lý. Chỉ với một bài diễn văn, Tổng thống V.Putin đã lật ngược hoàn toàn thế cờ đang bấp bênh, giành phần thắng về mình. Người ta đặt câu hỏi, Crimea mới chỉ là màn đầu tiên, đến bao giờ thì sẽ là màn hai trong ván bài Ukraine của Tổng thống Nga?

Thủ tướng Ðức Angela Merkel chính thức khẳng định, Liên bang Nga vẫn là thành viên của nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8). Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini cũng cho biết, “cơ cấu G8 vẫn không thay đổi”.

(Theo Ria Novosti)

Hoàng Long

 


Ý kiến của bạn