Hà Nội

Tổng thống Mỹ nhận trách nhiệm vụ giết nhầm con tin

24-04-2015 08:59 | Quốc tế
google news

Washington hôm 23-4 thừa nhận một cuộc tấn công bất thành bằng máy bay không người lái (UAV) hồi tháng 1 vừa qua tại căn cứ al-Qaeda ở Pakistan đã giết chết 2 con tin người Mỹ và người Ý.

Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công bố một trường hợp UAV Mỹ giết nhầm con tin khi tấn công mục tiêu của khủng bố ở nước ngoài.

Tổng thống Barack Obama cho biết người Mỹ thiệt mạng tên là Warren Weinstein, 73 tuổi, nhân viên cứu trợ đến từ bang Maryland và bị al-Qaeda bắt cóc và giam giữ từ năm 2011. Công dân Ý là Giovanni Lo Porto, 39 tuổi, làm việc cho một cơ quan cứu trợ của Đức và bị giam từ năm 2012.

Năm 2013, al-Qaeda công bố một đoạn video, trong đó ông Weinstein xuất hiện để “thương lượng” với Tổng thống Obama tìm cách trả tự do cho mình. Ông nói rằng bản thân cảm thấy “hoàn toàn bị bỏ rơi” và bị chính phủ Mỹ “lãng quên”, đồng thời phàn nàn sự hỗ trợ từ Washington “không phù hợp và gây thất vọng”.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết thi thể 2 con tin chưa được thu hồi và chính phủ sẽ bồi thường cho gia đình 2 nạn nhân.

Hai con tin bị UAV Mỹ giết nhầm. Ảnh: Los Angeles Times

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 23-4 cũng như gửi lời xin lỗi đến gia đình hai con tin, ông Obama nói: “Là tổng thống và tổng tư lệnh quân đội, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tất cả các hoạt động chống khủng bố của Mỹ, trong đó có một hoạt động vô tình lấy đi mạng sống của hai ông Warren và Giovanni. Tôi rất tiếc vì những gì đã xảy ra”.

Nhà Trắng cho rằng cuộc không kích bằng UAV kể trên là hợp pháp. Tuy nhiên, vụ 2 con tin thiệt mạng làm nhiều người đặt câu hỏi về nguy cơ những chiếc UAV giết nhầm thường dân, cả cư dân địa phương và người phương Tây đang sinh sống hoặc làm việc trong khu vực bị Mỹ không kích.

Tổng thống Obama thừa nhận tình báo Mỹ gặp sai sót nhưng ông bảo vệ chiến lược chống khủng bố của Mỹ ở nước ngoài. “Những sai lầm gây chết người đôi khi vẫn xảy ra, trong hoàn cảnh chiến tranh và chống khủng bố” – nhà lãnh đạo Mỹ biện minh.

Các cuộc không kích cũng tiêu diệt 2 công dân Mỹ chiến đấu cho al-Qaeda tại khu vực hai con tin thiệt mạng, theo thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnes. Một người được xác định là Ahmed Farouq – thủ lĩnh một nhóm khủng bố và người kia là Adam Gadahn, thành viên tích cực của al-Qaeda Pakistan.

Cuộc tấn công bằng UAV lần này không do đích thân Tổng thống Obama quyết định. Một số quan chức Mỹ ra lệnh thực hiện chiến dịch và “gần như chắc chắn dân thường không có mặt tại khu vực”. Nhà Trắng cho biết mục tiêu được quan sát tỉ mỉ trong hơn 100 giờ. Ngay sau cuộc không kích, báo cáo thiệt hại của Washington cho thấy ông Weinstein đã bị giết chết nhưng “dường như không liên quan trực tiếp đến vụ UAV ném bom đầu tiên”.

Sau sự cố, Tổng thống Obama cam kết không để trường hợp tương tự tái diễn. Thư ký Earnest thông báo một cuộc thanh tra nội bộ Nhà Trắng và một cuộc thanh tra độc lập khác đang được tiến hành. Vợ của nạn nhân Weinstein, bà Elaine, chỉ trích chính phủ Mỹ và Pakistan “hủy hoại cuộc sống của gia đình mình” và đề nghị giới chức hai nước cân nhắc trước khi bắt tay thực hiện một chiến dịch nào đó.

Theo một quan chức Nhà Trắng, al-Qaeda hiện vẫn giữ “một số lượng nhỏ” con tin Mỹ và phương Tây. Tháng 12 năm ngoái, Mỹ cũng đột kích giải cứu con tin - phóng viên ảnh người Mỹ Luke Somers ở Yemen nhưng bị bại lộ. Kết quả ông bị bọn khủng bố giết chết.

Đại đa số các cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ diễn ra bí mật. Bắt đầu từ thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã sử dụng UAV tấn công mục tiêu khủng bố ở các khu vực dân cư thưa thớt và bộ lạc thuộc Tây Bắc Pakistan và Afghanistan, được cho là nơi ẩn náu lý tưởng của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Washington đã thực hiện tổng cộng 383 cuộc tấn công bằng UAV kể từ năm 2004, được tăng cường dưới thời Tổng thống Obama và đạt đỉnh vào năm 2010 trước khi giảm nhẹ trong hai năm qua.

Trước đó, hồi năm 2013, chính quyền Obama cũng xác nhận 4 công dân Mỹ, gồm một thiếu niên 16 tuổi, thiệt mạng trong các cuộc không kích ở Pakistan và Yemen nhưng không xin lỗi công khai giống như lần này.

P.Nghĩa (Theo Los Angeles Times, USA Today)

 


Ý kiến của bạn