Ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae In đã chỉ định ông Lee Nak-yon làm tân Thủ tướng Hàn Quốc, ông Im Jong-seok, trưởng nhóm thư ký cho chiến dịch vận động tranh cử của ông, làm Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống. Ông Suh Hoon, cựu quan chức thuộc Cơ quan tình báo quốc gia được bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan này và ông Joo Young-hoon, được chỉ định làm người đứng đầu Cơ quan An ninh Phủ Tổng thống.
Theo luật, vị trí Thủ tướng của , ông Lee Nak-yon không cần được Quốc hội thông qua song tân Thủ tướng Hàn quốc cũng sẽ phải ra điều trần tại Quốc hội trong vài ngày tới. Tiếp đó, tân Thủ tướng Lee Nak-yon sẽ xây dựng nội các mới cho chính phủ Hàn quốc. Với tựa đề “Ngày đầu tiên nhậm chức, tân Tổng thống Hàn quốc muốn đến thăm Triều Tiên”, tờ The Washington Post thông tin ngay sau khi đắc cử Tổng thống ông Mun Chê-In đã ngỏ ý sẵn sàng tới thăm Triều Tiên. Tờ báo Mỹ dẫn lời tân Tổng thống Hàn quốc Mun Chê-In nhấn mạnh “Tôi sẽ cố gắng để giải quyết vấn đề an ninh hiện nay. Tôi sẽ luôn nỗ lực để mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Nếu cần thiết, tôi sẽ bay tới Mỹ, sẽ tới Trung Quốc và Nhật Bản và tôi cũng sẽ tới cả Triều Tiên trong hoàn cảnh thích hợp”.
Tân Tổng thống Moon Jae In, một người có lập trường ôn hòa trong vấn đề Triều Tiên.
Hãng tin Reuters cho rằng thái độ cởi mở với Triều Tiên cho thấy việc ông Moon Jae In lên nắm quyền là một bước ngoặt ngoại giao trong khu vực. Tuy nhiên, lập trường sớm hòa giải với Triều Tiên của tân Tổng thống Hàn quốc cũng có thể tạo xung đột quan điểm với Mỹ, khi Washington từ trước đến nay luôn đòi hỏi tăng cường chính sách trừng phạt Triều Tiên. Dưới một góc nhìn khác, giới phân tích cho rằng lập trường của tân Tổng thống Hàn quốc đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ của Seoul trong vấn đề Triều Tiên. Đó là từ cách tiếp cận cứng rắn chuyển sang ôn hòa và đối thoại trong vấn đề Triều Tiên.
Láng giềng lo ngại?
Một câu hỏi đặ ra hiện nay: Liệu sự thay đổi chính trị cũng như lập trường ôn hòa của tân Tổng thống Hàn quốc có thể giúp tình hình bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng? Hãng tin AFP cho rằng việc chính phủ mới của Hàn Quốc đi theo một đường lối ôn hòa với Triều Tiên không chỉ cho thấy một sự thay đổi rõ rệt của Seoul mà còn dự báo một thời kỳ mới trong quan hệ liên Triều.
Báo chí nước ngoài nhận định việc ông Moon Jae In, một người Hàn quốc gốc Triều Tiên lên làm Tổng thống là một điểm thuận lợi thúc đẩy tiến trình hòa giải. Bởi một trong những quyết định đầu tiên của ông Moon Jae In là bổ nhiệm ông Suh Hoon làm giám đốc cơ quan tình báo Hàn quốc. Ông Suh Hoon là một sỹ quan cấp cao giàu kinh nghiệm, đã từng tham gia vào kế hoạch tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Theo tờ Le Monde, ngay sau khi nhậm chức, ông Suh Hoon đã tuyên bố với báo chí « còn quá sớm để nói đến thượng đỉnh liên Triều lần ba nhưng đó là chuyện cần thiết ».
Cùng với vấn đề ổn định tình hình đấtn ước, điều chỉnh quan hệ với Triều Tiên hiện là vấn đề đang được dư luận Hàn Quốc quan tâm hàng đầu hiện nay.Tuy nhiên, lập trường ôn hòa của tân Tổng thống Hàn quốc đang khiến các nước láng giềng lo ngại. Theo các nguồn tin (Nhật bản), mặc dù chính phủ Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị cho cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Abe và tân Tổng thống Moon Jae In nhưng phía Nhật bản đang băn khoăn không rõ nhà lãnh đạo mới của Hàn quốc sẽ “ứng xử” ra sao với kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ mà Mỹ, Nhật, Hàn đã thống nhất trước đó.Theo Kyodo, tân Tổng thống Hàn quốc trong quá trình tranh cử cũng đã luôn nói rằng ông sẽ trao đổi lại về vấn đề phụ nữ mua vui trong chiến tranh với phía Nhật bản, một động thái cho thấy chính quyền mới của Hàn quốc sẽ tỏ ra cứng rắn trong việc bảo vệ lợi ích cũng như tranh cãi lịch sử với Nhật bản.
Hiện, cũng đã có một số dự báo cho biết lập trường của Tổng thống Hàn Quốc có thể trái ngược với đồng minh Mỹ khi Washington luôn bảo lưu quan điểm “cần cứng rắn” với Triều Tiên. Tuy vậy, Tổng thống Moon Jae In cho rằng đã đến lúc Seoul phải có tiếng nói độc lập trong chính sách an ninh chung liên quan đến sự tồn tại của quốc gia. Mỹ luôn cho Triều Tiên là mối nguy hiểm thực thụ, đe dọa an ninh thế giới và sinh mạng của 28.000 quân Mỹ ở Hàn Quốc. Các đơn vị này vừa bảo vệ Hàn Quốc, nhưng cũng vừa là một trụ cột trong chiến lược toàn cầu của Washington. Nếu có “trục trặc” xảy ra, rất có thể quan hệ Mỹ-Hàn cũng sẽ đối mặt với thách thức.