Tổng thống Indonesia thăm Mỹ: “Nóng” hồ sơ biển Đông

26-10-2015 07:21 | Quốc tế

SKĐS - Từ ngày 25-28/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên.

Từ ngày 25-28/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên. Giới phân tích cho rằng có khá nhiều tham vọng ẩn chứa trong chuyến thăm này khi Indonesia đang đối mặt với những sức ép mới về an ninh biển và muốn xây dựng một mối quan hệ đối tác kiểu mới với Mỹ. Ngày 26/10, hai nhà lãnh đạo Indonesia và Mỹ có cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó hồ sơ biển Đông là một trong những ưu tiên thảo luận trọng tâm.

Theo báo chí Indonesia, “hành trang” của Tổng thống Joko Widodo sang Mỹ lần này sẽ có 3 ưu tiên chính. Đó là việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Indonesia, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng và tiếp xúc cộng đồng giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh cấu trúc khu vực và môi trường toàn cầu đang thay đổi, việc Mỹ - Indonesia điều chỉnh mối quan hệ đối tác chiến lược theo kiểu mới là điều tất yếu. Các nguồn tin cho biết, trong chuyến thăm này Mỹ và Indonesia sẽ tổ chức đối thoại chiến lược theo phương thức 2 2 đồng thời sẽ thành lập hợp tác phi chính phủ Mỹ - Indonesia. Hai bên cũng sẽ đưa ra một Tuyên bố chung phản ánh các ưu tiên từ cấp độ song phương đến khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Indonesia thăm Mỹ: “Nóng” hồ sơ biển Đông
Indonesia tự trang bị vũ khí tối tân để nâng cao năng lực phòng vệ biển.

Indonesia là quốc gia vạn đảo, tất cả các đường biên giới bao quanh đều là biển. Do đó, việc bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó có an ninh hàng hải được coi là ưu tiên cốt lõi của Chính phủ Indonesia trong những năm gần đây. Cách đây gần 1 năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra học thuyết “Trục hàng hải” mới, nhấn mạnh chiến lược quốc gia sẽ là bảo vệ an ninh biển. Hiện thực hoá mục tiêu này, tại triển lãm “Indo Defence Expo 2014”, Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký một số hợp đồng mua sắm vũ khí, trong đó có việc mua 11 máy bay chiến đấu thế hệ mới, vũ khí phát hiện và chống tàu ngầm trên biển. Indonesia cũng đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về chủ quyền trên biển bị xâm hại khi Trung Quốc đưa ra tấm bản đồ “đường Lưỡi bò 9 đoạn” chiếm trọn một phần quần đảo Natuna của Indonesia tại biển Đông. Do đó, việc Indonesia nâng cao năng lực an ninh hàng hải cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ nhằm tìm kiếm một sự hỗ trợ trong việc đảm bảo công lý ở biển Đông là điều tất yếu.

Indonesia cũng đã khá thẳng thắn nói rằng họ không thừa nhận bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Indonesia ủng hộ lập trường của Mỹ khi cho rằng “Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có quyền đi lại hoạt động trong vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở biển Đông”. “Đấy là biển quốc tế và tất cả mọi người đều có quyền đi qua khu vực đó”, Wall Street Journal dẫn lời ông Pandjaitan cho biết.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh hôm 26/10, báo chí quốc tế đã đưa ra nhiều phỏng đoán về chuyện Mỹ sẽ giúp Indonesia như thế nào. Phần lớn đều cho rằng vì cả hai bên đều có những mối quan tâm chung nên Mỹ sẽ giúp Indonesia tăng cường năng lực phòng vệ biển, chẳng hạn như tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân Indonesia, xây dựng hàng rào biên giới biển và phát triển chiến lược bảo vệ bờ biển hiệu quả. Tuy nhiên, theo tờ National Interest, trước khi cần hỗ trợ, Indonesia cũng đã tự nâng cao năng lực phòng vệ cho mình bằng cách xây dựng một căn cứ quân sự mới ở biển Đông nhằm ngăn ngừa tham vọng của Trung Quốc.

Các nguồn tin từ báo chí Indonesia cũng cho biết, trong chuyến thăm này dự kiến hai nhà lãnh đạo Indonesia và Mỹ sẽ ký kết một Bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải, bao gồm các yếu tố: quốc phòng hàng hải, quản lý tài nguyên biển, cơ sở hạ tầng hàng hải. Bản Ghi nhớ giữa hai nước về hợp tác hàng hải rõ ràng phản ánh một mối lo ngại chung về tình hình an ninh châu Á hiện nay với những tham vọng của Trung Quốc. Do đó, người ta đang chờ xem Hội nghị Thượng đỉnh Indonesia - Mỹ sẽ có kết quả như thế nào.

(Theo New Asiaone, RFI, Jarkata Post)

N.Minh

 

 

 


Ý kiến của bạn