Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Hệ thống phòng thủ tên lửa khiến Trung Quốc chưa thể ngồi yên
Đến thời điểm này, Hàn Quốc đã triển khai các bước cuối cùng hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc. Đây là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc và Hàn Quốc suốt trong 1 năm qua, khiến Trung Quốc đã mạnh tay áp dụng nhiều biện pháp trả đũa Hàn Quốc như cắt giảm các chuyến bay, tẩy chay du lịch, thương mại và cả văn hóa Hàn Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc gánh không ít thiệt hại. Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc làm nền kinh tế Hàn Quốc ảnh hưởng không nhỏ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Tổng thống Hàn Quốc có cuộc gặp Thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu trên truyền hình Trung Quốc trước chuyến thăm, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, Hàn Quốc sẽ chú ý đặc biệt đến thực tế rằng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ không được sử dụng ở bất kỳ nơi nào khác ngoài mục tiêu phòng thủ trước các tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Hệ thống đó sẽ không làm phương hại đến các lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Tuyên bố này đã xoa dịu phần nào người láng giềng Trung Quốc, bởi nước này cho rằng, THAAD là công cụ để Hàn Quốc và Mỹ đối phó với Triều Tiên nhưng cũng là cách để hai nước này do thám Trung Quốc Với Trung Quốc, THAAD không thể ngăn được tham vọng hạt nhân của Triều Tiên mà ngược lại sẽ gây mất an ninh của Trung Quốc, ảnh hưởng đến cân bằng an ninh trong khu vực.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao ở Hàn Quốc
Một khi vẫn còn sự hiện diện của THAAD, cho dù các chuyến ngoại giao con thoi có thể diễn ra, nhưng những hoài nghi vẫn còn đó. Bởi hệ thống phòng thủ THAAD được xây dựng với mục tiêu đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và cả hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm cao, có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2000km – khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc. Đây chính là điểm khiến dù Hàn Quốc có đưa ra lý lẽ gì Trung Quốc sẽ phản đối THAAD đến cùng. Bên cạnh đó, Nga cũng từng chỉ ra nguy cơ nếu triển khai THAAD ở Hàn Quốc, nó sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Á.
Một mục tiêu chưa tìm được tiếng nói chung
Mặc dù cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều cho rằng cần phải có một giải pháp chính trị trong vấn đề Triều Tiên, tuy nhiên cách thức để hiện thực hóa điều này cả Trung Quốc và Hàn Quốc không tìm được tiếng nói chung. Trong khi Trung Quốc thận trọng trước vấn đề Triều Tiên, dè dặt ủng hộ các biện pháp trừng phạt nước này thì Hàn Quốc theo đuổi các biện pháp cứng rắn hơn như trừng phạt Bình Nhưỡng, hoàn thiện THAAD, tiến hành hành loạt các cuộc tập trận với Mỹ - hành động mà Trung Quốc coi là “kích động” Triều Tiên.
Bên cạnh các vấn đề nóng được dư luận quan tâm, khôi phục hợp tác kinh tế thương mại cũng là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm. Chưa bao giờ, số lượng doanh nghiệp tháp tùng trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc lại lớn đến như lần này, lên tới hơn 220 doanh nghiệp. Điều này để thấy kỳ vọng của doanh nghiệp Hàn Quốc trong chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc đến thế nào. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trước đó, Trung Quốc đã khiến doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại nặng nề khi cấm nhập khẩu hàng chục loại mỹ phẩm, gây áp lực với một số công ty có liên quan đến chương trình THAAD, giảm các đường bay đến Hàn Quốc, cấm bán tour du lịch liên quan đến Hàn Quốc hay cấm chiếu phim, cấm các ngôi sao Hàn Quốc xuất hiện trên các chương trình truyền hình của nước này …
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hàn Quốc đã khơi lên một niềm hy vọng mong manh về giải quyết các những căng thẳng gần đây giữa hai nước về an ninh chính trị, nhưng mở ra một thời kỳ hợp tác trong lĩnh vực kinh vốn đang bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị khác - điều này khiến Hàn Quốc bị thiệt hại hơn cả.