**Hàng chục nghìn người dân Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Seoul đòi Tổng thống Park Geun-Hye từ chức. Đây được cho là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Hàn Quốc trong khoảng 30 năm qua. Tuy nhiên thách thức không chỉ dừng lại ở đó với Tổng thống Park Geun-Hye.
Ước tính có khoảng 170.000 người biểu tình (có thống kê cho thấy tới 1 triệu người) Hàn quốc đã xuống đường biểu tình yêu cầu Tổng thống Park Geun-Hye từ chức cuối tuần qua. Cảnh sát Hàn quốc đã triển khai khoảng 25.000 nhân viên để đảm bảo cuộc biểu tình diễn ra hòa bình. Đây là cuộc biểu tình thứ 3 liên tiếp trong những ngày cuối tuần để phản đối Tổng Thống Park Geun-Hye vì đã để cho một người bạn thân can dự vào công việc điều hành chính phủ.
Gần 1 tháng nay, Tổng thống Park Geun-hye phải đối mặt với những sức ép từ vụ bê bối liên quan đến việc bà Choi Soon-Sil, người bạn thân với nữ Tổng thống trong 40 năm qua, đã lợi dụng mối quan hệ này để can thiệp vào các công việc quốc gia, trong đó có một số vấn đề chính sách nhạy cảm; đồng thời gây ép đối với các doanh nghiệp lớn để trục lợi. Mặc dù Tổng thống Park Geun-Hye cho biết bà sẵn sàng trả lời các cuộc điều tra để làm rõ vụ việc, song mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Ngay trong ngày hôm qua, dư luận Hàn quốc lại dậy sóng sau khi có thông tin về việc Tổng thống Park Geun-Hye đã vắng mặt 7 tiếng đồng hồ sau khi xảy ra thảm họa chìm phà Sewol làm hơn 500 người chết và mất tích, trong đó phân đông là học sinh. Một số nguồn tin rò rỉ cho rằng Tổng thống Park Geun-Hye đã đi thẩm mỹ trong thời gian xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, Tổng thống Park Geun-Hye đã bác bỏ điều này.
Tổng thống Park Geun-hye đang đối mặt với thách thức kép
Theo kết quả cuộc thăm dò do tổ chức Gallup vừa công bố, mức độ tín nhiệm đối với nữ Tổng thống Hàn Quốc đã xuống dưới 5%, mức thấp nhất đối với một Tổng thống Hàn Quốc kể từ năm 1988.
Thách thức kép
Theo giới phân tích, vụ bê bối liên quan đến người bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye chỉ là một thách thức hiện nay. Thách thức mới nhất chính là nguy cơ sẽ có những thay đổi trong chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với Hàn quốc.
Một ngày sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, quân đội Hàn Quốc đã phải tổ chức họp khẩn để đánh giá ảnh hưởng mà chính quyền mới ở Mỹ dưới thời của ông Donald Trump có thể gây ra đối với mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo hàng đầu quân đội Hàn quốc đã xem xét những thay đổi có thể xuất hiện trong chính sách quốc phòng của Mỹ đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn cũng như tác động của nó đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Dù Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye về việc duy trì vị thế phòng thủ “vững chắc, mạnh mẽ” để bảo vệ nước đồng minh Hàn Quốc, nhưng vẫn xuất hiện những lo ngại rằng đồng minh thân thiết Mỹ có thể rút quân khỏi Hàn quốc và đòi Hàn quốc trả phí cho các hoạt động bảo vệ đồng minh. Vì thế, chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ thành lập một nhóm đặc biệt để thúc đẩy các thỏa thuận quốc phòng chính với Mỹ đồng thời đảm bảo đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận hiện nay giữa hai nước. Trong đó có chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến của các lực lượng Hàn Quốc từ phía Mỹ sang cho phía Hàn Quốc, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và việc bố trí lâu dài các loại vũ khí chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc.
Trong trường hợp xấu xảy ra, Hàn quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên do những “lỗ hổng” an ninh để lại. Giới phân tích nhận định rằng trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye đang “bối rối” với những bê bối trong nước, nguy cơ bị đồng minh Mỹ “bỏ rơi” và bị tấn công hạt nhân sẽ là những thách thức thật sự đối với chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye.