Hà Nội

Tổng thống Donald Trump công du châu Á: Chuyến đi nhiều thông điệp

31-10-2017 15:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Bắt đầu từ 3/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu công du châu Á. Theo kế hoạch, Tổng thống Trump sẽ đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Hawaii (Mỹ) từ ngày 3-14/11 tới. Chuyến thăm nhằm nhấn mạnh cam kết của Tổng thống Donal Trump đối với các quan hệ đồng minh và đối tác lâu dài của Mỹ, đồng thời tái khẳng định cam kết thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Theo kế hoạch, ngày 3/11, Tổng thống Trump sẽ thăm Hawaii và nghe báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ), thăm Trân Châu Cảng và Đài tưởng niệm USS Arizona. Ngay sau đó, Tổng thống Trump sẽ tới Nhật Bản ngày 5/11. Tại đây, ông Trump sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, gặp gỡ các quân nhân Mỹ và Nhật Bản, tiếp xúc với gia đình các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 7/11, Tổng thống Trump sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in thăm các quân nhân Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, ông sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Hàn Quốc, nhấn mạnh tình hữu nghị và liên minh bền vững giữa Mỹ và Hàn Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay gây sức ép tối đa với Triều Tiên. Ngày 8/11, Tổng thống Trump sẽ tới Bắc Kinh (Trung Quốc) tham dự một loạt sự kiện thương mại, văn hóa song phương, và có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 10/11, Tổng thống Donald Trump sẽ tới Đà Nẵng (Việt Nam) tham dự Hội nghị cấp cao APEC và có bài phát biểu tại Hội nghị các Tổng giám đốc doanh nghiệp của APEC. Tổng thống Trump dự kiến phát biểu về “Tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhấn mạnh vai trò quan trọng mà khu vực này đóng góp trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế của Mỹ”. Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/11, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tại Hà Nội, ông sẽ có cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng như các nhà lãnh đạo cấp cao Vieetj Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á dài nhất trong lịch sử.

Ngày 12/11, Tổng thống Trump rời Hà Nội đến thủ đô Manila của Philippines và tham dự kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngày 13/11, ông sẽ dự kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Mỹ - ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN. Dự kiến, ông cũng sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Theo các nhà phân tích, chuyến đi mang ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Tổng thống Đô-nan Trăm, mà còn cả với khu vực châu Á và thế giới, nhất là khi diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về hòa bình và an ninh khu vực. Trong một thông cáo đưa ra mới đây, Chính phủ Mỹ cho biết, chuyến đi của người đứng đầu Nhà trắng sẽ nhấn mạnh cam kết của ông đối với các đồng minh và đối tác lâu đời  của Mỹ, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ tại một khu vực châu Á- Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Đây cũng là chuyến công du châu Á đầu tiên và cũng là chuyến công du dài nhất của Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức.

Diễn ra trong bối cảnh có nhiều hoài nghi về cam kết của Mỹ với các đồng minh tại châu Á, chuyến đi nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong khu vực và thế giới, cũng như nhiều dự báo của giới phân tích. Kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Doanld Trump đã xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với các đồng minh truyền thống tại châu Âu vùng Vịnh. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ vẫn duy trì sự quan tâm lớn đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Điều này thể hiện rõ ở việc ông nhận lời tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) ngay từ đầu năm, sớm hơn nhiều so với thông lệ.“Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ vẫn giữ vững cam kết đối với các đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Liên minh Mỹ- Nhật là nền tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực Thái Bình Dương”, giáo sư Carl Thayer nhận định.

Theo giới phân tích, đặc biệt, việc tham dự Hội Nghị cấp cao Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và thăm chính thức cấp Nhà nước tới Hà Nội trong ngày 12/11, được cho là một sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt nam-Hoa Kỳ. Tờ The Diplomat số ra mới đây nhận định “việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Việt nam đã cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam hiện nay trong chính sách châu Á của Mỹ, với việc chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được đón tiếp tại Nhà Trắng hồi tháng 5 vừa qua. Vì thế có thể nói, quyết định công du Việt Nam sau Hội nghị cấp cao APEC là tín hiệu mạnh mẽ mà Tổng thống Mỹ muốn gửi đi, công nhận Việt Nam là một tác nhân quan trọng trong các vấn đề khu vực, và là một đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế”.


N.Minh
Ý kiến của bạn