Hà Nội

Tổng Thanh tra Chính phủ: ‘Ưu tiên thu hồi tài sản, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự’

05-11-2022 15:40 | Thời sự
google news

SKĐS - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, thu hồi tài sản, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự.

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn ngày 5/11, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đề cập đến việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi. 

"Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí từng khẳng định vấn đề này có nhiều nguyên nhân và rất khó để thu hồi, đặc biệt trong điều kiện chưa có Luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn", đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì giải pháp là gì? Nếu không tán thành, Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì tốt hơn không?.

Tổng thanh tra Chính phủ: ‘Ưu tiên thu hồi tài sản, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự’ - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị).

Trả lời về thu hồi tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc.

Theo đó, đối với một số vụ việc, sau thanh tra thì vẫn yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1 năm đến 1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra.

Tổng thanh tra Chính phủ: ‘Ưu tiên thu hồi tài sản, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự’ - Ảnh 2.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, kết quả 9 tháng đầu năm, Thanh tra đã đôn đốc 5.586 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021, xử lý hơn 1.700 tổ chức và hơn 4.800 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng.

Về thi hành án, đã thi hành xong hơn 1.800 vụ việc với hơn 15.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.700 vụ với 43.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, tăng hơn 11.800 tỷ đồng và tăng 290% so với năm 2021. Tuy nhiên, kết quả đó mặc dù cao cao xong tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp.

Tổng thanh tra Chính phủ: ‘Ưu tiên thu hồi tài sản, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự’ - Ảnh 3.

31 đại biểu chất vấn, 8 đại biểu tranh luận trong phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ngày 5/11.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết: Theo tinh thần chủ trương khi các vụ án xảy ra, nếu các đối tượng tham nhũng nộp lại tiền thì cũng được xem xét đến yếu tố về thời gian thi hành án. "Đấy là một trong những vấn đề chuyển biến. Đặc biệt theo Chỉ thị 04 của Ban Bí thư thì các cơ quan chức năng đẩy nhanh, vì vậy về vấn đề thanh tra của năm 2022 đã tăng gần gấp đôi và thi hành án tăng gần 3 lần", ông Phong cho hay.

Về tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đúng như đại biểu đã phản ánh, vẫn còn có những vụ việc tiêu cực xảy ra, nhất là xoay quanh lĩnh vực đất đai, như đầu tư xây dựng có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thủ tục hải quan, cấp phép khai thác khoáng sản.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Tổng Thanh tra cho rằng cần thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, tăng cường kiểm tra giám sát phát hiện xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.

ĐBQH kỳ vọng gì ở 4 Bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên chất vấn?ĐBQH kỳ vọng gì ở 4 Bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên chất vấn?

SKĐS - Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, từ chiều nay đến hết ngày 5/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.



Nhóm PV
Ý kiến của bạn