Tổng sản lượng dược liệu sử dụng trong y tế của Việt Nam đạt khoảng 100.000 tấn/năm

27-09-2023 11:00 | Thời sự

SKĐS - Theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền (Bộ Y tế), tổng lượng dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.

Ngày 26/9 vừa qua, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức Lễ công bố Chương trình "Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTSMN)".

Góp phần vào công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, từ hơn 600 năm trước, Đại Danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, người đặt nền móng cho Y học cổ truyền Việt Nam đã nói "Nam dược trị Nam nhân" - thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam. Với câu nói đó đã mang đầy đủ hàm lượng khoa học kể cả y học, địa lý, môi trường, xã hội…

Việt Nam đạt tổng dược liệu sử dụng trong y tế ước tính khoảng 100.000 tấn/năm - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Tuấn Linh, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống (ngoài cùng bên phải) và Nhà báo Tô Quang Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống (ngoài cùng bên trái) tặng hoa các thành viên Hội đồng xét duyệt hồ sơ. (Ảnh: Trần Minh - Tuấn Anh).

Nền y học cổ truyền Việt Nam ban đầu đặc trưng bởi những cây cỏ xung quanh, những loại thảo dược sẵn có trong tự nhiên. Từ đó đúc kết thành kinh nghiệm tạo lên những bài thuốc hay, phương thuốc quý, rất gần, rất sát với điều kiện khí hậu, địa lý cũng như các loại bệnh tật xuất hiện theo từng vùng, từng mùa.

Tất cả được thể hiện cụ thể trong một số tác phẩm như: Thiền sư Tuệ Tĩnh với bộ "Nam Dược Thần Hiệu" viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ "Lĩnh Nam Bản Thảo" gồm 2 quyển: quyển thượng chép 496 kế thừa của Tuệ Tĩnh, quyển hạ ghi 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm.

"Với hệ sinh thái phong phú của Việt Nam, số lượng các loài cây thuốc, dược liệu quý, hiếm được tìm thấy và sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền lên đến hàng nghìn loài. Có thể nói, Việt Nam ta đã có một nền y dược học cổ truyền lâu đời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và trị bệnh cho người dân từ xa xưa", PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh cho hay.

Việt Nam đạt tổng dược liệu sử dụng trong y tế ước tính khoảng 100.000 tấn/năm - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phát biểu tại buổi lễ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, song song với sự phát triển của y học hiện đại, các thầy thuốc y dược học cổ truyền Việt Nam đã từng bước kế thừa, phát huy, phát triển và xây dựng nền y dược học cổ truyền vững mạnh về mọi mặt, góp phần không nhỏ trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nói đến y dược học cổ truyền là nói đến dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc. Tuy nhiên ngày nay, dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế.

Bảo tồn, phát huy, phát triển và hiện đại hóa nền y dược học cổ truyền

Tại lễ công bố, PGS TS Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nước ta với nhiều vùng địa lý, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao là điều kiện để hệ sinh thái động, thực vật đa dang, đặc biệt các loài dùng để làm thuốc.

Riêng hệ thực vật ở nước ta có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao. Theo kết quả điều tra trong năm 2015 của Viện Dược liệu (Bộ Y Tế), Việt Nam có 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật và một số động vật làm thuốc.

Tại Châu Á, Việt Nam cũng có một nền y dược học dân tộc phát triển hàng ngàn năm cùng với quá trình dựng nước và giữ nước, giữ vai trò quan trọng trong phòng, chữa bệnh cho nhân dân trên cơ sở vốn quý cây thuốc của đất nước. Song song với nguồn tài nguyên thực vật phong phú, tri thức bản địa của 54 dân tộc anh em cũng đóng góp vào kho tàng quý báu của nền y dược học dân tộc, truyền thống của Việt Nam.

Việt Nam đạt tổng dược liệu sử dụng trong y tế ước tính khoảng 100.000 tấn/năm - Ảnh 3.

PGS. TS Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.

Việc công nhận và phát huy vai trò của y dược học cổ truyền và nguồn cây thuốc để góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng là một xu hướng được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích.

Ở nước ta, theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền, hằng năm, tổng lượng dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.

Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn luôn nhất quán phương châm bảo tồn, phát huy, phát triển và hiện đại hóa nền y dược học cổ truyền Việt Nam, đóng góp có hiệu quả và có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hơn thế nữa, trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, y học dân tộc nói chung và nguồn dược liệu phong phú của đất nước đã được Nhà nước xác định một vị thế mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế, phát triển nền y dược học nước nhà, phát triển nông thôn và đặc biệt phát triển kinh tế miền núi.

Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt" là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tại các vùng trồng dược liệu, đặc biệt là vùng ĐBDTTSMN nhìn lại hành trình bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người Việt.

Dự kiến, trung tuần tháng 12/2023 Lễ Vinh danh sẽ được diễn ra. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình đáp ứng các tiêu chí có thể gửi hồ sơ đến BTC thông qua website: www.duoclieuviet.net

Công bố Chương trình "Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH ĐBDTTSMN"Công bố Chương trình 'Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH ĐBDTTSMN'

SKĐS - Chiều 26/9, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức Lễ công bố Chương trình "Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTSMN)".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Video: Tiêu chí Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn