Tổng rà soát chính sách với người có công

19-02-2014 22:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước hàng loạt những sai phạm trong việc thực thi chính sách với người có công diễn ra tại các địa phương trong cả nước khiến dư luận rất quan tâm

Trước hàng loạt những sai phạm trong việc thực thi chính sách với người có công diễn ra tại các địa phương trong cả nước khiến dư luận rất quan tâm; đặc biệt không ít đối tượng là thương bệnh binh, gia đình chính sách, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) do thất lạc hồ sơ nên chưa nhận được các chính sách của Đảng và Nhà nước; để thực thi chính sách đối với người có công được hiệu quả, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Bộ LĐTB-XH cùng các ban ngành chức năng đã tiến hành “Tổng rà soát chính sách với người có công”. Để hiểu thêm về tiến trình rà soát này, PV báo SK&ĐS đã ghi lại những nội dung trao đổi của bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN với báo giới.

Bà Hà Thị Liên.

Bà Hà Thị Liên.

PV: Thưa bà, bà có thể cho biết nhiệm vụ, vai trò, nội dung chính trong đợt tổng rà soát chính sách với người có công lần này?

Bà Hà Thị Liên: Có thể nói đợt tổng rà soát này không chỉ là giám sát mà trước hết là khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công. Thông qua việc khẳng định chính sách này, MTTQVN cùng với chính quyền rà soát lại những người đã được hưởng chính sách đối với người có công với Đảng và Nhà nước, nếu còn bộ phần nào đó chưa được hưởng đầy đủ với chính sách này thì chúng ta cần có giải pháp để giải quyết chính sách đầy đủ cho họ. Đặc biệt với những đối tượng có công nhưng do hồ sơ chưa đầy đủ, chưa được hưởng chính sách thì cũng cần đưa ra những giải pháp thích hợp để họ nhận được đầy đủ chính sách theo quy định.

PV: Cho đến thời điểm này, MTTQ các cấp đã có những bước  chuẩn bị ra sao, đặt ra các giải pháp xử lý như thế nào trước những vướng mắc khó khăn trong việc rà soát xác minh chính sách với người có công?

Bà Hà Thị Liên: Để chuẩn bị tốt cho nội dung này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Trước hết, chúng tôi làm việc với các tổ chức chính trị xã hội - những tổ chức sẽ trực tiếp tham gia cuộc tổng rà soát này nhằm bàn bạc phân công công việc cụ thể. Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp với lãnh đạo Bộ LĐTB-XH ký kết chương trình phối hợp hành động. Sau khi ký kết, trong nội dung chương trình phối hợp hoạt động của MTTQ với các tổ chức chính trị khác có nội dung tổng rà soát chính sách với người có công với cách mạng trong hai năm  2014 - 2015. Đồng thời tiến hành hội nghị triển khai mang tính chất tập huấn cho đội ngũ cán bộ MTTQ các tỉnh, đến tận các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.

PV: Với những người có công, do hoàn cảnh, thời gian, họ bị thất lạc hồ sơ, không đủ điều kiện so với quy định, đặc biệt còn nhiều thương bệnh binh, thanh niên xung phong; cùng với nhiều quy định trong chính sách về người có công đến thời điểm này không còn phù hợp, vậy MTTQ cùng với các cơ quan chức năng có giải pháp như thế nào?

Bà Hà Thị Liên: Trước hết chúng ta phải khẳng định lại, sau 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta thực hiện xây dựng và phát triển đất nước thì đại đa số những người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ, những người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam có sự tham gia trong kháng chiến cơ bản đã nhận được chế độ chính sách của Nhà nước. Với lực lượng thanh niên xung phong, còn có một bộ phận do trước đây hoạt động trong các tổ chức thanh niên xung phong đến khi hết nhiệm vụ thì phần lớn tự giải tán nên còn khá nhiều đối tượng chưa nhận được các chế độ chính sách. Thực tế trong những năm qua, Trung ương Đoàn TNCS HCM hướng dẫn phối hợp với các cấp bộ đoàn cơ sở, Bộ LĐTB-XH và các ban ngành chức năng khác để từng bước giải quyết chế độ cho nhóm đối tượng này. Trong đợt rà soát chính sách với người có công lần này, đây cũng là đối tượng mà MTTQ cùng với hội TNXP, ngành LĐTB-XH chú ý quan tâm nhằm có những phương án rà soát phù hợp, có những kiến nghị, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế để những người thực sự có công không bị thiệt thòi khi thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công.

PV: Chế độ chính sách dù được ban hành, hướng dẫn cụ thể, song nếu nó được thực thi bởi những cán bộ không tốt, thi hành thực hiện chính sách không đúng thì hậu quả sẽ như thế nào và để hạn chế tình trạng này cần phải làm gì?

Bà Hà Thị Liên: Có thể nói rằng, rất đáng tiếc trong việc thực hiện chính sách chăm lo đối với người có công, thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập, sai sót. Để xảy ra điều này, trách nhiệm trực tiếp là của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở làm nhiệm vụ chính sách do nhận thức chưa đầy đủ về việc làm sai, hoặc chưa hiểu đầy đủ về tác động tiêu cực khi thực hiện sai chế độ chính sách đối với người có công nên đã chấp nhận cho nhưng đối tượng chưa đủ tiêu chuẩn trở thành người có công để được hưởng chính sách. Như vậy, để một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người có công đến đúng người, đúng đối tượng, nhằm động viên kịp thời thì đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, LĐTB-XH cần phải công tâm, có đạo đức, có tấm lòng yêu thương chân thành, nắm chắc luật định mới thực thi tốt được nhiệm vụ.

PV: Xin chân thành cảm ơn bà!

 Văn Hậu (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn