Hà Nội

Tổng quan về nám da: Nguyên nhân, điều trị và biện pháp phòng ngừa

28-07-2022 07:33 | Thẩm mỹ

SKĐS - Nám da là bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý của người mắc. Nắm được những thông tin tổng quát về nám da sẽ giúp bạn phòng ngừa và điều trị nám hiệu quả hơn.

‏1. Nám da là gì? ‏

Theo bác sĩ Hà Thị An Diên - chuyên gia da liễu, nám da là bệnh da tăng sắc tố mắc phải có nguyên nhân và cơ chế rất phức tạp, với biểu hiện thường là các dát hoặc mảng màu nâu đen đối xứng ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Nám da có thể gặp ở cả hai giới nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi từ 20 - 50. ‏

‏Về cơ chế hình thành nám da, bác sĩ Hà Thị An Diên cho biết, da được cấu tạo bởi 3 lớp, trong đó lớp thượng bì chứa tế bào hắc tố (melanocyte) - là tế bào duy nhất có khả năng sản xuất ra các hạt melanosome và chuyển thành sắc tố (melanin).

Melanin có khả năng chống lại tác hại của tia cực tím (tia UV), kiểm soát sự tổng hợp vitamin D3 và điều hòa thân nhiệt tại chỗ. Tuy nhiên, nếu hắc tố melanin được sản xuất quá mức, chúng sẽ tích tụ, tập trung lại một vùng da. Hiện tượng đó gọi là nám da.‏

photo-1658896914478

‏Nám da thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.‏

‏2. Nguyên nhân phổ biến gây nám da

Theo BS Hà Thị An Diên, nguyên nhân gây nám da phải kể đến vai trò của gen, ánh sáng mặt trời và hormone (nội tiết tố).

-‏Gen đóng vai trò quan trọng trong nám má. Người ta thấy rằng nám thường gặp ở phụ nữ, người có nước da sáng cũng chiếm tỷ lệ cao hơn và 30% người bị nám có yếu tố gia đình.‏

‏-Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây nám da là ánh sáng mặt trời. Việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ làm oxy hóa lipid ở tế bào đáy, giải phóng ra các gốc tự do. Các chất này kích thích tế bào sắc tố tăng sản xuất melanin, nám vì thế mà hình thành.‏

‏- Bên cạnh đó, hormone là nguyên nhân gây nám ở một số trường hợp, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người sử dụng thuốc tránh thai tổng hợp. Estrogen làm cho tế bào sắc tố tăng cường sản xuất ra sắc tố và vận chuyển sang các tế bào thượng bì của da. Nồng độ các hormone estrogen, progesteron kích thích tăng tế bào sắc tố ở giai đoạn 3 của thai kỳ.‏

‏Ngoài ra, việc lạm dụng các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn khiến da tổn thương dẫn đến rối loạn sắc tố da. ‏

Nám hình thành sau một quá trình lâu dài và điều đó khiến nhiều người chủ quan. Do đó, nếu không lưu ý chăm sóc da đúng cách và chủ động phòng ngừa thì nguy cơ bị nám chỉ là vấn đề thời gian.


photo-1658896917821

‏Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân chính gây nám da.‏

‏3. Các phương pháp điều trị nám hiện nay‏

Hiện nay, để điều trị nám da, người dùng thường sử dụng những cách sau:‏

  • ‏Điều trị tại chỗ bằng đường bôi: Các hoạt chất hay được dùng như hydroquinol, arbutin, kojic axit, niacinamide, azelaic axit, vitamin C, tranexamic axit, vitamin A axit, corticoid loại nhẹ hoặc trung bình, kem chống nắng có chỉ số SPF cao. Tùy tình trạng nám để sử dụng thuốc bôi nám có các hoạt chất làm giảm sắc tố đơn thuần hay thuốc phối hợp các hoạt chất.‏
  • Thuốc đường toàn thân (đường uống): Sử dụng các chất chống lão hóa như vitamin C, vitamin E, vitamin PP, L-cysteine.‏
  • Đường tiêm: Kỹ thuật tiêm vi điểm trong da (mesotherapy) trong điều trị nám hiện nay cũng rất phổ biến thường kết hợp với đường bôi, uống và các biện pháp khác. Các hoạt chất này có tác dụng ức chế tế bào sắc tố sản sinh melanin, đồng thời cung cấp dưỡng chất giúp da trắng hồng đều màu.‏
  • ‏Áp dụng liệu pháp công nghệ cao như chiếu tia laser, peel da: Tia laser sẽ giúp phá vỡ cấu trúc của sắc tố melanin, loại bỏ nám, kích thích tái tạo và phục hồi da.‏

‏Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Bác sĩ Diên cho biết, trên thực tế điều trị nám da thường phối hợp nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả cao nhất và hạn chế tái phát sau điều trị.‏

‏4. Cách phòng ngừa nám da

Theo BS Hà Thị An Diên, cần lưu ý những biện pháp sau đây để ngăn ngừa các vấn đề tăng sắc tố da nói chung và nám da nói riêng:

  • ‏Bảo vệ da trước tác động của ánh nắng mặt trời bằng cách mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính khi ra nắng, luôn sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút và thoa lại sau mỗi 2-3 giờ.‏
  • ‏Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai...‏
  • ‏Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ để phát hiện các rối loạn nội tiết trong cơ thể để điều chỉnh kịp thời.‏
  • ‏Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, tránh thức khuya, hạn chế uống bia rượu...‏
photo-1658896921907

‏Luôn thoa kem chống nắng để bảo vệ da trước tác hại của tia cực tím.‏

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Cách dùng nha đam làm đẹp da mà không bị ngứa | SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn