Tổng kiểm tra, rà soát phòng cháy chữa cháy trên toàn Hà Nội

16-10-2017 07:58 | Pháp luật
google news

SKĐS - Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về tính chất và thiệt hại, UBND TP. Hà Nội đã ban hành 3 kế hoạch trọng tâm, cơ bản nhằm chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp, phòng ngừa, xử lý cháy nổ.

Theo đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).  Đặc biệt, tiếp tục thực hiện xử lý các cơ sở không đảm bảo PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001 QH10 có hiệu lực.

Lo ngại số vụ cháy gia tăng về tính chất và thiệt hại

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC, trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đã xảy ra 590 vụ cháy. Trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, 5 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, 112 vụ cháy trung bình, 446 vụ cháy nhỏ, 20 vụ cháy rừng. Những vụ cháy đã khiến 17 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 170 tỷ đồng và 55ha rừng. So với cùng kỳ năm 2016 đã giảm 40 vụ cháy, tăng 13 người chết, giảm 5 người bị thương và tăng 70 tỷ đồng thiệt hại về tài sản.

Tổng kiểm tra, rà soát phòng cháy chữa cháy trên toàn Hà NộiCán bộ Cảnh sát PCCC kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng phương tiện chữa cháy tại quán karaoke.

Đưa ra nguyên nhân, tồn tại cơ bản về an toàn PCCC, đại diện Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội chia sẻ, hành lang pháp lý và cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, còn khoảng trống, lỗ hổng, trách nhiệm chính quyền các cấp, đứng đầu cơ sở và các ngành chức năng cần có giải pháp, buông lỏng tình hình sẽ phức tạp hơn. Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về số vụ, tính chất và thiệt hại không chỉ riêng TP. Hà Nội mà ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Thực trạng hạ tầng xã hội còn nhiều bất cập: giao thông, ngõ ngách, làng nghề,… đan xen phức tạp, hạ tầng xuống cấp, lạc hậu dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, môi trường cháy chất cháy gia tăng. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của người dân, người đứng đầu cơ cở còn hạn chế, chủ quan, mất cảnh giác, lơ là. Nhiều đơn vị chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không quan tâm đến trang bị, an toàn PCCC. Lực lượng tại chỗ còn tình trạng hạn chế về hoạt động, hiệu quả thấp. Không ít công trình xây dựng trước khi có luật PCCC không bảo đảm điều kiện về PCCC, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy hiện nay mặc dù được tăng cường nhưng còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp và phát triển mạng lưới, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chung về khoảng cách chữa cháy.

Triển khai 3 kế hoạch lớn phối hợp phòng ngừa, xử lý cháy nổ

Nhằm hạn chế tối đa cháy, nổ thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy nổ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành 3 kế hoạch chỉ đạo lực lượng chức năng, trong đó giao Cảnh sát PCCC chủ trì triển khai kế hoạch. Cụ thể kế hoạch 128/KH-UBND về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu qủa công tác PCCC trên địa bàn thành phố; kế hoạch 209/KH-UBND về việc kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, dịch vụ cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư. Đặc biệt, kế hoạch 183/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ- HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND TP. Hà Nội quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức rà soát đánh giá lại nhà ống, cơ sở kinh doanh, trước đây đã làm chưa hết nhưng chưa đủ để đưa ra những giải pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất. Hướng tới mỗi hộ gia đình đều có phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có tình huống xảy cháy ở nhà dân. Triển khai đến lực lượng cảnh sát khu vực bổ sung giao thêm nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra hướng dẫn an toàn PCCC. Hai lực lượng phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chủ động giải pháp phòng ngừa và xử lý khi có cháy nổ xảy ra.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã lưu ý một số vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, các sở, ban, ngành, quận, huyện chưa xây dựng kế hoạch triển khai thì phải xây dựng ngay xong trước ngày 15/10; Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về PCCC với người dân; Sở Thông tin Truyền thông và các báo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC; Sở Giáo dục & Đào tạo cần sớm lồng ghép trong chương trình dạy về PCCC; Xác định rõ trách nhiệm về quản lý‎ nhà nước về PCCC tại các địa bàn; Rà soát PCCC tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, đây là những loại hình tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; Công an TP. Hà Nội phối hợp với PCCC đánh giá tổng thể công tác phối hợp chặt chẽ trong việc cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, rà soát cơ sở kinh doanh có điều kiện; Tập trung xử lý các công trình vi phạm thực hiện nghiêm túc các văn bản của UBND TP, thành lập tổ liên ngành kiểm tra, đôn đốc xử lý tồn tại về PCCC tại các cơ sở, công trình; Sở Xây dựng rà soát các công trình chưa được nghiệm thu để có biện pháp xử lý;…

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đã chuyển kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố 3 bị can: Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú tại quận Hà Đông), Lê Thị Thì (SN 1962, trú tại quận Cầu Giấy) và Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, quê Nghệ An) về hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” trong vụ cháy xảy ra ngày 1/11/2016 tại quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) khiến 13 người tử vong. Kết luận điều tra cho biết, Nguyễn Diệu Linh là chủ quán karaoke, dù biết quán đang sửa chữa, chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và chưa được cấp giấy phép kinh doanh nhưng vẫn chỉ đạo nhân viên cho khách vào hát tại phòng 601, 502 và đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.


Hà Đăng
Ý kiến của bạn