Gặp các phóng viên một ngày trước khi diễn ra “Hội nghị báo cáo kết quả chuyển giao kỹ thuật giai đoạn I và ra quân chuyển giao kỹ thuật giai đoạn II cho BVĐK tỉnh Hà Tĩnh theo Đề án Bệnh viện vệ tinh”, bà phó giám đốc BVĐK Hà Tĩnh hồ hởi nhận xét rằng: “Quả là chưa có một dự án nào có ý nghĩa, tác động mạnh và mang lại những sự thay đổi tích cực như vậy đối với bệnh viện như đề án bệnh viện vệ tinh này”. Lời nhận xét ngắn ngủi không chỉ là niềm vui của bệnh viện mà còn của cả người dân “sông La, núi Hồng”…
Giảm tỉ lệ người bệnh chuyển tuyến
Mô hình bệnh viện vệ tinh nhằm mục đích chuyển giao công nghệ, trang thiết bị và đặc biệt là năng lực nhằm nâng cao khả năng điều trị của các bệnh viện tuyến dưới, giảm tải tuyến trung ương và đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh ngay tại địa phương cho người dân.
Ngày 11/3/2013 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 774/QĐ-BYT về Phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020 cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương cũng như cấp nguồn kinh phí đối ứng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các bệnh viện hạt nhân khảo sát, xây dựng đề án và kế hoạch chi tiết từng bước triển khai đề án, cho đến nay năm chuyên khoa mũi nhọn được coi là điểm nóng như: chuyên khoa Sản, Chấn thương, Ung bướu, Nhi, và Tim mạch đã triển khai hoạt động theo mô hình bệnh viện vệ tinh. Với các gói kỹ thuật đã được chuyển giao qua nhiều giai đoạn, nhiều hình thức đào tạo: cầm tay chỉ việc, đào tạo tại cơ sở của bệnh viện vệ tinh, đào tạo từng đợt khi tập hợp được bệnh nhân, đào tạo tại bệnh viện hạt nhân, đào tạo trực tuyến …đã có 55 đoàn với hằng trăm lượt các chuyên gia đầu nghành là các Giáo sư,Tiến sỹ, bác sỹ giàu kinh nghiệm về tham gia giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật, trung bình mỗi ngày có 1 chuyên gia về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, và đã mang lại những kết quả cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại với tổng trị giá đầu tư tính cho đến thời điểm hiện tại gần 55 tỷ đồng.
Báo cáo tại “Hội nghị báo cáo kết quả chuyển giao kỹ thuật giai đoạn I và ra quân chuyển giao kỹ thuật giai đoạn II cho BVĐK tỉnh Hà Tĩnh theo Đề án Bệnh viện vệ tinh”, vừa diễn ra ngày 11/3/2016 tại Hà Tĩnh cho thấy, sau 3 năm hoạt động theo mô hình bệnh viện vệ tinh, các khoa vệ tinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu ngang tầm các bệnh viện tuyến trung ương do đó năng lực khám và điều trị đã nâng lên rõ rệt góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Với chuyên ngành Ung bướu, từ một khoa sơ khai mới thành lập, được sự giúp đỡ của Trung tâm Y học Hạt nhân - Ung bướu bệnh viện Bạch Mai, khoa đã có một lực lượng cán bộ đông đảo, đào tạo cơ bản, chuyên sâu, với các trang thiết bị chuyên ngành hiện đại như máy CT 64 dãy 128 lát , máy chụp vú, máy Spect 2 đầu thu … đã hỗ trợ công tác khám, chẩn đoán, điều trị hiệu quả. Các kỹ thuật điều trị ung thư khác như phẫu thuật ung thư, hóa trị liệu điều trị ung thư, chăm sóc giảm nhẹ… cũng đã phát triển đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị mà trước đây người bệnh phải đi ra tuyến trung ương mới có được.
Với chuyên khoa Chấn thương, được sự hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương Huế với các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm đã chuyển giao thành công nhiều gói kỹ thuật như: Phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật tạo hình cột sống … Đến nay các ê kíp của khoa đã làm chủ được các kỹ thuật và áp dụng vào hoạt động chuyên môn đạt kết quả cao.
Một con số cho thấy rõ hiệu quả của mô hình bệnh viện vệ tinh, đó là số lượng bệnh nhân chuyển tuyến giảm liên tục qua các năm. Khoa sản, tỷ lệ chuyển tuyến năm 2013 là 0,03, năm 2014 là 0,02, 2015 là 0,017. Khoa ung bướu các tỉ lệ tương ứng là 0,51; 0,23; 0,20…
Bên cạnh đó, BVĐK Hà Tĩnh còn đưa vào các thiết bị hiện đại và hoạt động có hiệu quả như, hệ thống Spect hai đầu thu, hệ thống CT, scanner 64 dãy – 128 lát, XQ vú, máy đo độ tập trung I131, dao mổ siêu âm, máy C-arm, máy sinh học phân tử PCR, giàn XN ELISA, MRI, máy cắt lạnh… và triển khai hơn 70 kỹ thuật trước đây chỉ thực hiện tại bệnh viện trung ương, nay được thực hiện thường quy ngay tại BVĐK tỉnh, đưa lại hiệu quả to lớn cho người dân tỉnh nhà, giảm quá tải cho tuyến trên.
Không cần “đi Hà Nội”
Phát biểu tại hội nghị về phương hướng giai đoạn II của đề án bệnh viện vệ tinh, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh luôn quan tâm, theo dõi sát sao các hoạt động của ngành y tế, và sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để ưu tiên các nguồn vốn đối ứng thực hiện đề án theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.
Đánh giá về kế hoạch giai đoạn II của BVĐK Hà Tĩnh, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Nhiều tỉnh, thành phố khác, chỉ riêng một bệnh viện sản nhi cũng đã có hàng trăm giường, còn Hà Tĩnh quy mô BVĐK tỉnh mới chỉ có 500 giường, và hiện phải tải lên tới 1100 giường, như vậy là bệnh viện cũng còn nhiều khó khăn. Về kế hoạch bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016 – 2020 để được tốt hơn, thì bệnh viện cần rà soát lại để các kế hoạch của mình và của các bệnh viện hạt nhân được ăn khớp. Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới các khoa, ngành có mức độ phổ biến cao, chứ không chỉ tập trung vào một số kỹ thuật hiếm. Ngoài vấn đề kinh phí, vốn đối ứng, thì quan trọng là bệnh viện cần có quyết tâm, và các bệnh viện hạt nhân cũng cần dành nhiều thời gian quan tâm công tác này để trợ giúp bệnh viện vệ tinh”.
Như vậy, có thể thấy qua vài năm triển khai, đề án bệnh viện vệ tinh đang cho thấy những yếu tố tích cực, những thay đổi rõ rệt ở những bệnh viện tuyến dưới. Với những kỹ thuật cao được chuyển giao, trang thiết bị hiện đại và tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ… người dân Hà Tĩnh nói riêng, và người dân nhiều địa phương khác đã phần nào được chăm sóc sức khỏe tại chỗ, giảm chi phí đi lại, chăm nom, điều trị. Người dân địa phương trước đây thường truyền tai nhau câu nói : “Đói ăn rau, đau đi Hà Nội”, như để nói tới những điều đương nhiên trong cuộc sống, về sự vất vả khi vượt hàng trăm km lên thành phố chữa trị bệnh tật. Giờ đây, nhiều bà con đã bớt được gánh nặng ấy, đó là niềm vui từ đề án bệnh viện vệ tinh./.
Hoàng Lê