Tổng kết 1 năm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Kiểm soát đầu vào, đầu ra vẫn khó

05-01-2016 22:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Thông tin trong Hội nghị sơ kết 1 năm tăng cường chống buôn lậu vừa qua của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia)...

Thông tin trong Hội nghị sơ kết 1 năm tăng cường chống buôn lậu vừa qua của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia), lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 187.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 11.500 tỷ đồng, khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng. Đặc biệt nổi cộm là gần 10.000 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá với 10,3 triệu bao. Lâu nay, thuốc lá lậu vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn trong “rổ hàng lậu”, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân và khiến lực lượng chức năng vất vả bám đuổi...

Thuốc lá lậu ngụy trang dưới nhiều hình thức bị lực lượng chức năng phát hiện.

Diễn biến phức tạp

Báo cáo của Cơ quan thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết, trong năm 2015, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến mới. Các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Chủ yếu là vi phạm hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Một số vụ buôn lậu lớn được phát hiện như vụ buôn lậu 62.000 bao thuốc lá tại Củ Chi; vụ bắt giữ 156 bánh heroin tại địa bàn tỉnh Cao Bằng; bắt giữ 611.000 lít dầu lậu trên vùng biển Kiên Giang... Đặc biệt là tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, đối tượng vận chuyển manh động hơn, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, kể cả huy động đông người để gây áp lực, cướp hàng, tẩu tán tang vật.

Nguyên nhân bởi lợi nhuận từ buôn lậu và kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu rất cao, bình quân chênh lệch giữa ngoài nước và trong nước từ 3.000 - 10.000 đồng/bao, tùy loại thuốc, khiến nhiều đối tượng tham gia vào các công đoạn buôn lậu mặt hàng này.

Thêm vào đó, Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng - cho biết, những đường dây, đầu nậu đều lợi dụng người dân vùng biên để vận chuyển thuốc lá lậu. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên họ bất chấp nguy hiểm, tính mạng để đưa thuốc vào nội địa. Những đường dây buôn lậu thuốc lá rất ranh ma, chúng ràng buộc những người vận chuyển phải nộp thế chấp 50% số tiền trị giá lô hàng, làm như vậy, người tham gia vận chuyển thuốc lá lậu sẽ quyết liệt bảo vệ hàng trước các lực lượng chức năng, nên rất nguy hiểm.

“Bó tay” đầu ra

Trong nội địa, trọng điểm tiêu thụ thuốc lá lậu vẫn là Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ và các đô thị lớn. Tại các cửa hàng bán thuốc lá, chủ cửa hàng chỉ bày một số lượng nhỏ, còn lại thuốc được cất giữ ở những nơi khác và dần dần vận chuyển đến nơi bán nên khi lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng, số thuốc bắt giữ được không nhiều...

Có một thực tế là “đầu ra” cuối cùng của thuốc lá lậu rất dễ phát hiện và xử lý thì dường như lâu nay lực lượng chức năng không quản lý xuể. Đây chính là những điểm bán thuốc lá lẻ tràn ngập mặt đường, góc phố mà bất cứ người dân bình thường nào cũng dễ dàng tiếp cận, mua bán. Ở Hà Nội, khu vực tập trung “chợ” thuốc lá này vẫn là ngã năm Lương Văn Can - Hàng Hành - Lê Thái Tổ, hay Hàng Buồm, ven chợ Đồng Xuân..., ngoài ra còn vô số các cửa hàng tạp hóa rải rác các phố phường. Một bà “chủ sạp” chỉ bày những... vỏ bao, thậm chí với khách quen họ còn chẳng bày gì cả. Không ít xe máy, ôtô đời mới đỗ xịch sát vỉa hè, khách mua chỉ cần hô “cho bao ba số ngoại” hay bất cứ loại thuốc “xách tay” nào dù hiếm hoi, loáng một cái, người đàn bà biến vào trong ngõ gần đó và cầm ra đúng mặt hàng khách cần. Đôi khi người bán vẫn ngồi đó và chỉ cần nhấc điện thoại “alô”, liền có người thân đưa hàng ra.

Đây chính là những khó khăn vô vàn với lực lượng phòng chống thuốc lậu, đôi khi có thể nói là đi vào bế tắc. Cho nên, đã hàng chục năm nay, những tay buôn lậu, phân phối thuốc lá lậu vẫn sống khỏe dù không vượng như xưa, lợi nhuận từ những mẹt thuốc (giờ đây dưới dạng là những chiếc nón, cái ghế nhựa) có thể khiến nhiều người... ngã ngửa. Theo “cơ cấu” giá, một bao thuốc lậu bán lẻ trung bình có giá 40.000 đồng, người bán lẻ “tuyến cuối” lãi đến một nửa, đó là đã trừ lợi nhuận lấy lại từ đầu nậu. Một người kém tính toán cũng có thể nhẩm ra lợi nhuận cho hàng chục bao thuốc ở “một quầy” mỗi ngày. Thêm vào đó, có thể nói đây là lợi nhuận “ròng”, vì chi phí chỉ là vỉa hè và ghế nhựa.

Tổn hại cả kinh tế lẫn sức khỏe

Riêng với hàng lậu là thuốc lá, theo Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu do trốn thuế (Thuế TTĐB 65%, VAT 10%, thuế NK 135%, 1% Quỹ PCTHTL) nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại, cùng phân khúc). Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng tar, nicotin nên gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, nạn buôn lậu thuốc lá đã làm thất thu ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, ảnh hưởng tới việc làm và đời sống của 1,5 triệu lao động trong ngành.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, vấn đề hàng lậu, hàng giả là vấn đề toàn cầu, song ở Việt Nam nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới giống nòi và sức khỏe người dân. Trong năm qua, công tác này tuy đã đạt một số kết quả tích cực, nhưng phải luôn duy trì thường xuyên và quyết liệt hơn nữa.

Đặc biệt thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, ký kết đối với các cơ sở, các doanh nghiệp kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Bộ Công an, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, thanh tra chuyên ngành và lực lượng quản lý thị trường.


Bình An
Ý kiến của bạn