Trong 2 ngày 28/6 và 29/6, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam tổ chức tập huấn truyền thông về công tác trẻ em. Đây là 1 trong những hoạt động hướng đến Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em".
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết, tháng hành động Vì trẻ em năm 2023 hướng tới nhiều thông điệp ý nghĩa như: Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tại buổi tập huấn, ông Đặng Hoa Nam thông tin về các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhiều biện pháp, hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đây là chủ đề nhiều phụ huynh và trẻ em quan tâm.
Internet, mạng xã hội mang đến giá trị tích cực như giúp các em tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, chia sẻ tình cảm. Nhưng môi trường này cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực cho trẻ em. Trẻ dễ tiếp cận với thông tin giả, tin xấu độc từ khi chưa có đủ kiến thức, dễ nghiện mạng xã hội…
Theo báo cáo của Cục Trẻ em, nhiều trường hợp các em nhỏ bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm, bị đề nghị cho tiền hoặc quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm. Thậm chí một bộ phận trẻ bị người khác dụ dỗ, cho tiền và đề nghị thực hiện hành vi tình dục…
Hiện nay, hệ thống các thiết chế pháp luật bảo vệ trẻ em khá hoàn thiện, với sự phối hợp của Luật An toàn thông tin mạng, Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng. Cùng với đó là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, kế hoạch liên ngành, Nghị định hướng dẫn… nhằm tạo nên không gian an toàn nhất cho trẻ em được sinh hoạt và phát triển.
Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng quy định những yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em, trong đó nên rõ các trường hợp cụ thể về việc sử dụng hình ảnh trẻ em cũng như thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.
Cũng trao buổi tập huấn, lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, từ khi thành lập cho đến cuối tháng 6 năm 2023, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 5,4 triệu cuộc gọi đến. Trong đó, tổng đài đã tư vấn trên 470.000 cuộc gọi, hỗ trợ, can thiệp cho hơn 9.700 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột…
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 180.000 cuộc gọi đến. Trong đó có 9.988 cuộc gọi tư vấn, 540 ca can thiệp hỗ trợ. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người, tiếp nhận và tư vấn 741 cuộc gọi, chuyển tuyến 25 trường hợp để hỗ trợ cho 28 nạn nhân của mua bán người.
Cũng tại chương trình tập huấn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phổ biến kỹ năng đưa tin, bảo mật thông tin và truyền thông về bảo vệ trẻ em đối với nhà báo và các cơ quan báo chí, đồng thời, trao đổi nghiệp vụ báo chí về bảo vệ trẻ em.
Biến Ao Tù, Ô Nhiễm Thành Bể Bơi Miễn Phí Cho Người Dân | SKĐS