Quảng Nam sẽ là tâm bão
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơn bão Noru đã vào Biển Đông rạng sáng nay, cả hệ thống khí tượng thủy văn đang tập trung toàn bộ nhân sự để theo dõi diễn biến của cơn bão. Với cấp độ bão là 12 khi đổ bộ, nhà cấp 4, tường gạch 10 rất khó trụ nếu nằm trên đường đi của nó.
Sáng nay (26/8) bão Noru đã vào Biển Đông, cường độ cấp 12, giật cấp 15. Dự báo 48h tới di chuyển hướng tây và tây tây bắc, cường độ có thể tăng cấp 13-14, giật cấp 17 khi ở trên Biển Đông, ảnh hưởng rất mạnh đến tàu thuyền ở Bắc và giữa Biển Đông. Từ khoảng đêm 27/9, bão Noru bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền ven biển khu vực Trung Trung Bộ.
Nhìn vào ảnh vệ tinh cho thấy mây xung quanh bão bị phân tán nhiều cấu trúc bão bị vỡ, áp suất không khí tại tâm bão khoảng 990hpa. Cấp gió hiện tại khoảng 120-130km/h, giật 140km/h. Như vậy bão đã yếu đi rất nhiều so với trước khi bão đổ bộ vào đất liền của Philippines.
Nhưng sự yếu đi này chỉ là tạm thời. Bão sẽ lấy lại năng lượng trong quá trình nó di chuyển trên biển Đông. Lúc này có nhiều khối mây phát triển do bốc hơi ở Biển Đông và nó có thể bị tâm bão hút vào, tập hợp thêm năng lượng và nó sẽ mạnh trở lại.
Dự báo bão sẽ mạnh lên với cấp gió 130-140km/h khi đi qua khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Bão sẽ tiếp tục mạnh lên khi cách bờ biển Quảng Nam – Đà Nẵng khoảng 100km về phía Đông vào đêm 27/9. Vận tốc gió khi bão cách bờ 100km có thể đạt 140-150km/h tương đương với cấp gió 14-15, giật cấp 16-17. Khi tiếp cận bờ biển, bão có thể giảm cấp còn 130-140km/h (gió đều), và có gió giật 160km/h (gió giật không thường xuyên và không ở trên diện rộng).
Khoảng 23h ngày 27/9, vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi bắt đầu có gió mạnh do vành mây bão phía trước tâm bão tạo ra. Đến khoảng 6h sáng ngày 28/9, tâm bão tiếp cận đất liền và nó duy trì hoạt động liên tục 4 tiếng trong đất liền khu vực được dự báo là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng sau đó đến Huế và Tây Nguyên.
Tâm bão được dự báo đi vào Quảng Nam. Tuy nhiên do bão lớn nên khu vực Quảng Ngãi và Đà Nẵng cũng được xác định là vùng ảnh hưởng mạnh nhất của tâm bão. Khi vào đất liền bão có thể đi chếch theo hướng Tây Bắc. Vì vậy, ngoài Quãng Nam, Quãng Ngãi nơi có bão đổ bộ thì Đà Nẵng và Huế sẽ ảnh hưởng lớn bởi gió mạnh khi bão quét qua. Các tỉnh Bắc Tây Nguyên đề phòng gió lớn và mưa hoàn lưu rất lớn.
Bão vào bờ đúng lúc triều cường đang cao nên nước biển sẽ dâng lên 1-1.5m và sóng đánh cao 5-6m gần bờ. Dự báo lượng mưa đạt 250-350mm/ ngày. Đây là lượng mưa cấp tập rất lớn trên diện rộng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngập lụt nơi có bão đi qua. Mưa hoàn lưu bão di chuyển về phía Bắc và phía Tây của tâm bão.
Hoàn tất việc sơ tán trước 4h chiều mai
Cơ quan khí tượng cảnh báo đây là cơn bão rất lớn và có phạm vi ảnh hưởng rộng. Những nhà cấp 4 lợp tôn, ngói ở ven biển và vùng thấp sẽ không an toàn với cơn bão này. Bà con cần sơ tán theo lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Thời gian hoàn tất việc sơ tán nên trước 4 giờ chiều ngày 27 tháng 9. Tuyệt đối không ở lại trên thuyền và lồng bè ven biển. Tuyệt đối không đi ra ngoài đường khu vực được dự báo có bão vào từ khung giờ 21h ngày 27/9 cho đến khi bão tan.
Người dân cần tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trong 4-5 ngày đề phòng có lụt ngay sau bão. Luôn sạc đầy các thiết bị thông tin liên lạc, đèn pin.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát tin bão khẩn cấp và liên tục theo dõi, cập nhật. Điểm đặc biệt trong công tác dự báo bão Noru là phát tin dày hơn (ngay khi bão vào Biển Đông đã phát Tin bão khẩn cấp (Cơn bão số 4) mà bỏ qua Tin bão trên Biển Đông); Tăng cường tham khảo, sử dụng thông tin dự báo về gió mạnh. Thu thập nhiều thông tin về kinh tế xã hội và khả năng về mức độ tác động đất liền để xác định cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng tới cấp 4; Từ sớm đã chỉ đạo hệ thống trạm trong khu vực ảnh hưởng rà soát cơ sở hạ tầng, phương án an toàn cho quan trắc viên tuyến trạm, đài vùng bão.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến bão Noru đêm 25/9 đã yêu cầu hệ thống dự báo cần bám sát mọi diễn biến của cơn bão, phân tích mọi khả năng, tận dụng mọi kênh thông tin trong nước và quốc tế, mọi sản phẩm công nghệ, đặc biệt là những đánh giá thực tiễn những giờ đã qua của các cơ quan dự báo để vận dụng và quyết định cung cấp thông tin cho Trung ương.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng yêu cầu Tổng cục Khí tượng Thủy văn cần lưu ý đúc rút kinh nghiệm dự báo các cơn bão mạnh, xây dựng thành các quy trình dự báo thật chi tiết, phân cấp và quản lý khoa học để khai thác phục vụ dự báo trong các tình huống tương tự.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Công An Long An Truy Tìm Nhóm Người Xông Vào Bệnh Viện Long An Truy Sát Bệnh Nhân | SKĐS